Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố

Hãy tưởng tượng có một băng ghế dài trong thành phố không chỉ cung cấp cho bạn một công cụ để ngồi nghỉ ngơi mà còn là một nơi giúp bạn dễ thở hơn một chút? Đó là ý tưởng của Green City Solution, công ty giải pháp đô thị xanh của Đức đang lắp đặt một loạt những băng ghế tích hợp máy lọc không khí sinh học cao tới hơn 4,2 mét trong các thành phố lớn ở Châu Á và Châu Âu.

Những chiếc máy lọc này không cần sử dụng đến màng lọc HEPA công nghiệp đắt tiền, nhưng vẫn có thể loại bỏ tới 82% bụi mịn khỏi không khí. Bí quyết của Green City Solution chính là những thảm rêu, một màng lọc bụi tự nhiên không tốn điện, chạy hoàn toàn bằng nước, đất và ánh sáng mặt trời.

Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố - Ảnh 1.

Những chiếc máy lọc không khí đồ sộ này được đặt tên là CityTree. Nó là một sản phẩm trí tuệ của Peter Sänger, một nhà làm vườn 29 tuổi ở Dresden, Cộng hòa Liên bang Đức. Sau một chuyến du lịch khắp các thành phố ở Châu Âu, anh ấy cảm thấy bị hấp dẫn bởi chủ đề giải quyết ô nhiễm không khí bên trong các đô thị.

Các thành phố là không gian sống của tương lai và nó sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho nhân loại. Đáng tiếc không khí bên trong các thành phố lại không được trong lành“, Sänger nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí đang giết chết khoảng 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở những nơi mà mức chất lượng không khí vượt quá giới hạn của WHO, những hạt bụi mịn trong không khí có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra rất nhiều nguy cơ từ đột quỵ đến bệnh tim và ung thư phổi.

Ngày nay, 91% dân số thế giới đang phải sống trong những nơi như vậy.

Mang thiên nhiên vào trong các thành phố

Xuất thân từ một người làm vườn theo học ngành trồng trọt và quản lý kinh doanh tại Đại học Dresden ở Đức, Sänger đã dành nhiều năm để nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Tôi phát hiện ra rằng các giải pháp ô nhiễm không khí chỉ có thể ra đời nếu chúng ta kết hợp nó với tự nhiên“, Sänger nói. Con người có thể làm ra những bộ lọc HEPA công nghiệp bằng lá thép, có thể mài mỏng nó xuống đến một vài phần sợi tóc, nhưng quá trình rất tốn thời gian, năng lượng, đồng nghĩa với phát thải CO2 và không hiệu quả về mặt giá thành.

Thiên nhiên, xét cho cùng mới là những bộ lọc không khí tốt nhất, mà rêu thì là một loài đã có hàng triệu năm kinh nghiệm trong việc thanh lọc không khí trên Trái Đất, Sänger nói. Và thế là anh ấy muốn phát triển một sản phẩm sử dụng rêu cho các thành phố bị ô nhiễm.

Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố - Ảnh 2.

Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố - Ảnh 3.

Nhưng mọi chuyện chỉ cất cánh sau khi Sänger gặp Liang Wu, một sinh viên đang điều hành một hội thảo về thiết kế đô thị và các vấn đề môi trường. “Chúng tôi chia sẻ mong muốn phát triển một giải pháp kinh tế và sinh thái cho vấn đề này“, anh nói.

Năm 2014, trước khi tốt nghiệp, hai người bạn đã tập hợp một nhóm các chuyên gia về làm vườn, khoa học máy tính, kiến trúc và kỹ thuật cơ khí để thành lập Green City Solution.

Công ty hiện có 35 nhân viên đang làm việc để cố gắng trả lời một câu hỏi đơn giản nhưng đầy thách thức: Làm thế nào để chúng ta có thể mang thiên nhiên vào bên trong các thành phố một cách hiệu qảu và thẩm mỹ, sử dụng thiên nhiên để tạo ra những tác động tích cực vào bầu không khí trên quy mô lớn?

Một ốc đảo có thể thở được

Như bạn có thể đã thấy, giải pháp mà Sänger và Liang Wu tạo ra là các hệ thống CityTree, có khả năng lọc sạch khí thở của 7.000 người mỗi giờ. Nó không chỉ là một băng ghế, một tháp phủ đầy rêu mà còn là một cấu trúc trang trí kết hợp với công nghệ IoT hiện đại.

Bên trong các tháp CityTree này cũng được tích hợp hệ thống tưới hoàn toàn tự động, điều khiển bằng cảm biến giúp cung cấp độ ẩm tối ưu nhất cho rêu. Phần mềm IoT được cài đặt cung cấp phản hồi liên tục về hiệu suất và điều kiện không khí, cũng như dữ liệu môi trường của khu vực xung quanh.

Theo Green City Solutions, CityTree có thể cải thiện 53% chất lượng không khí xung quanh bán kính 1 mét, giúp những người ngồi xung quanh nó cảm thấy cực kỳ dễ chịu. Lượng bụi mịn khi đi qua những lá rêu có thể được giữ lại tới 82%.

Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố - Ảnh 4.

Những lá rêu ẩm tạo ra một bề mặt hấp thụ bụi theo cơ chế tĩnh điện, bề mặt rêu mang điện tích âm sẽ hút các hạt bụi mang điện tích dương giống với cơ chế của màng lọc HEPA. Lượng bụi sau khi được tháp rêu giữ lại, 50% sẽ trở thành thức ăn cho chính chúng phát triển, 25% sẽ được phân giải bởi vi khuẩn và 25% sẽ trở thành trầm tích tồn tại cùng với rêu và có thể loại bỏ được.

Ngoài ra, những tháp rêu CityTree còn có thể làm mát không khí xuống 4 độ C nhờ vào cơ chế bốc hơi của nước và sự có mặt của thảm thực vật bên trong nó. Sänger thừa nhận rằng thiết bị này không thể thay thế cây xanh trong việc hạ nhiệt cho cả thành phố, nhưng nó hoàn toàn có thể cung cấp một ốc đảo cho phép người ngồi xung quanh cảm thấy thoải mái, để họ có thể thở, thư giãn và nán lại.

Hãy nghĩ đến một bến xe buýt trên một con phố sầm uất, một quán cà phê đường phố, một sân ga, một sân trường nội đô, thậm chí là một khuôn viên công ty“, anh nói. Hiện Sänger đã triển khai sản phẩm của mình tại nhiều địa điểm như vậy bên trong các thành phố trên khắp Châu Âu và Châu Á, bao gồm London, Paris, Amsterdam, Berlin, Hong Kong và Cork, Ireland.

Một kế hoạch đầy tham vọng

Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố - Ảnh 5.

Người nông dân Đức 29 tuổi này muốn trồng được 1 triệu mét vuông rêu bên trong các thành phố - Ảnh 6.

Đối với Sänger và đội ngũ của anh ở Green City Solutions, những tháp rêu CityTree mới chỉ là bước khởi đầu. Công ty đang thử nghiệm WallBreeze, một bức tường rêu mô-đun có thể được lắp đặt trên các bức tường bên ngoài các tòa nhà. Sử dụng công nghệ và hệ thống lọc tương tự như CityTree, WallBreeze có thể cung cấp hiệu quả lọc không khí cao hơn, trong bán kính rộng hơn nơi nó được lắp đặt.

Ngoài ra, công ty cũng có ý định cải tiến CityTree trong một phiên bản mảnh mai hơn, để có thể biến nó thành một bảng quảng cáo kỹ thuật số trong không gian đô thị.

Nhìn chung, Sänger cho biết mục tiêu của Green City Solution là lắp đặt tới 1.000.000 mét vuông rêu vào năm 2030, tích hợp bộ lọc không khí tự nhiên này vào mọi không gian thành phố có thể. Với diện tích này, Green City Solution có thể giúp làm sạch không khí cho 500 triệu người và loại bỏ tới 80.000 tấn CO2.

Tham khảo Businessinsider

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo