Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC

Mình đi mua linh kiện với build PC khá nhiều, cho mình và cho cả bạn bè mình nữa. Sau đây là Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC mà Gearvn đúc kết được trong quá trình tìm tòi học hỏi, vọc vạch phá phách trong những năm qua, tuy không có gì cao siêu nhưng được cái là thực tế dễ hiểu. Hy vọng sẽ có ích đối với các bạn.

Mình sẽ chia các lưu ý thành từng cụm như về độ tương thích, về sự cân bằng, về tài chính và về một số thứ khác mà mình nghĩ các bạn nên lưu ý nhé.

Các lưu ý về độ tương thích Mua CPU và mainboard thì nhớ kiểm tra tương thích

Mỗi một giai đoạn phát triển có những thế hệ CPU khác nhau, và chúng sẽ tương thích với các chuẩn socket nhất định. Bạn sẽ không thể gắn một con CPU Intel đời 10 vào mainboard đời 8 và bắt nó chạy được. Những bạn mới bắt đầu tập build PC thường không để ý đến chuẩn socket. Thế là dẫn đến việc mua hàng về rồi mới phát hiện ra là không gắn được.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 1.

Khi mua CPU và mainboard, tốt nhất là bạn hãy tìm hiểu trước trên mạng xem chúng có gắn được với nhau không nhé. Còn nếu không tìm được thì hãy liên hệ trực tiếp với đơn vị bán hàng mà bạn định mua để xác nhận cho chắc.

Mua tản nhiệt thì nhớ để ý xem case của bạn có chứa nổi không

Cái này mình thấy nhiều bạn bị lắm. Nhiều mẫu tản khí hiện nay có kích thước rất lớn, ví dụ như AORUS ATC800 của Gigabyte, NH-D15 của Noctua… Nếu có ý định mua mấy con tản to to như thế này thì bạn cũng nên lưu ý xem cái case của mình có thể chứa được nó hay không. Nhiều khi mua về nó kênh lên một khúc không đậy nắp vào được thì lại mất công bán case hoặc tản đi.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 2.

Mấy bạn mua tản AIO cũng vậy luôn nhé, nhớ coi thử xem cái case của mình hỗ trợ rad kích thước bao nhiêu và độ dày bao nhiêu khi mua. Mua về mà gắn không được nó lại ra lắm chuyện.

Nếu build PC RGB và muốn đồng bộ LED, bạn phải mua dàn linh kiện cùng hãng

Hiện nay, một số hãng phần cứng đã mở rộng ngành hàng của mình, sản xuất cả gaming gear có tích hợp hệ thống LED RGB và có thể đồng bộ với hệ sinh thái của họ. Ví dụ như nếu bạn mua cả dàn PC kèm theo cả màn hình, gaming gear cùng một thương hiệu và cùng tương thích một hệ sinh thái RGB thì chúng có thể đồng bộ được với nhau chỉ bằng một phần mềm duy nhất. Những hiệu ứng ánh sáng sẽ cực kỳ mượt mắt và nhịp nhàng.

Ngược lại thì những linh kiện không cùng hãng thường sẽ không thể đồng bộ LED với nhau. Trừ khi những linh kiện đó đến từ những nhà sản xuất chỉ làm một số linh kiện nhất định và cho phép linh kiện của họ tương thích với nhiều hệ sinh thái khác nhau.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 3.

Tuy nhiên khác với linh kiện PC, màn hình và gaming gear là thứ mà bạn tiếp xúc trực tiếp bằng cả thị giác, thính giác và xúc giác. Vì thế nên bạn cũng đừng nên quá đặt nặng vấn đề đồng bộ RGB mà bỏ qua những gì mà bạn thực sự cần. Ở đây, người viết không nói rằng bạn không nên mua gaming gear cùng hãng với phần cứng, nếu bạn dùng thấy thích thì cứ mua thôi, dù sao thì cũng chỉ có bản thân bạn mới biết bạn cần gì nhất.

Các lưu ý về sự cân bằng CPU phải đủ khỏe để cân được card, đừng để thắt cổ chai

Một trong những nguyên tắc cơ bản của của việc build PC gaming là GPU và CPU phải có sức mạnh tương xứng với nhau. CPU phải đủ mạnh để GPU có thể làm việc với công suất tối đa.

Đối với một dàn PC chơi game, CPU của bạn cần phải đảm bảo ngưỡng hiệu năng đủ để card đồ họa có thể phát huy được hết sức mạnh của mình. Tránh để tình trạng card đồ họa quá mạnh trong khi CPU quá yếu dẫn đến việc card “nhàn hạ” không bao giờ chạy được full load 100%, gây lãng phí sức mạnh của card.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 4.

Hiện tượng nghẽn cổ chai khi CPU và GPU “lệch tông” về sức mạnh

CPU nên đủ mạnh để cùng chạy hết công suất với Card. Tối ưu nhất là bạn nên chọn CPU sao cho cả CPU và GPU đều chạy 100% công suất ít nhất là trong một tựa game cụ thể mà bạn muốn chơi. Có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của một hệ thống PC.

Nếu CPU mạnh hơn GPU thì nó sẽ có thể dùng mức hiệu năng dư thừa đó để giúp bạn làm thêm những việc khác trong lúc chơi game, ví dụ như stream, chạy phần mềm… Còn nếu GPU mạnh hơn CPU thì nó sẽ không thể tận dụng hết công suất của mình gây lãng phí tài nguyên.

Mua nguồn thừa một chút không sao, nhưng thiếu là mệt đấy

Một bộ nguồn tốt không làm tăng mức FPS, tăng băng thông internet hay tạo ra những hiệu quả rõ rệt, chính vì thế mà người mới thường xem nhẹ tầm quan trọng của bộ nguồn. Một cơ thể chỉ khỏe mạnh khi có một trái tim khỏe mạnh. Và hệ thống PC cũng vậy, nó chỉ có thể vận hành bền bỉ và đem đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời khi được trang bị một bộ nguồn đủ tốt.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 5.

Một bộ nguồn có công suất dư sẽ thuận tiện cho việc nâng cấp phần cứng của bạn về sau. Một bộ nguồn càng “xịn” sẽ cho ra dòng điện càng ổn định để cấp cho các linh kiện, đảm bảo tuổi thọ cho dàn linh kiện đó. Và cuối cùng, các linh kiện bán dẫn như CPU, GPU, Mainboard… sẽ luôn lỗi thời theo thời gian, chỉ có duy nhất bộ nguồn là gần như không bao giờ lỗi thời cho đến khi nó hỏng.

Ngược lại, nếu bộ nguồn mà không đủ thì mệt đấy. Nó sẽ xảy ra đủ vấn đề như nguồn luôn chịu tải kịch kim, sập nguồn “sảng”, bật máy không lên… và đủ thứ chuyện tào lao khác nữa.

Mua ổ cứng đúng với nhu cầu, đừng quá “cùi” hoặc quá “xịn”

Mua cái gì cũng vậy, tốt quá mà không dùng hết thì phí, mà dở quá thì sẽ cho trải nghiệm rất tệ. Khi đi mua ổ cứng cho PC, bạn phải xác định rõ được mình cần một chiếc ổ cứng như thế nào.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 6.

Ví dụ như bạn chỉ “đánh Liên Minh” thôi thì một chiếc HDD là đủ. Nó còn có dung lượng lớn và giá thành rẻ để bạn có thể lưu hàng tấn game offline một cách thoải mái. Ngược lại, nếu bạn chơi game online có cấu hình cao như PUBG, BF5, Control, Shadow of Tomb Raider… thì bạn sẽ cần một chiếc SSD để đảm bảo rằng mình load xong game trước khi vào trận. NVMe luôn thì càng tốt.

Mua một chiếc ổ cứng quá đắt tiền mà không dùng hết sức mạnh sẽ làm lãng phí, đáng lẽ bạn có thể đầu tư cho những thứ khác. Còn một chiếc ổ cứng quá bình dân cũng sẽ giới hạn trải nghiệm của bạn, làm cho thời gian tải trận chậm hơn, bật game lâu hơn, khởi động Windows mất thời gian hơn… Thế nên hãy cân nhắc kỹ xem mình cần một chiếc ổ cứng như thế nào trước khi mua nhé.

Các lưu ý về tài chính: Nhớ chừa tiền để mua gaming gear

Gaming gear nói đơn giản là đồ chơi của dân game thủ, nhưng nói đầy đủ thì nó là cầu nối giữa con người với máy tính. Bạn có thể có một dàn PC rất “xịn”, chơi game không cần nhìn cấu hình nhưng nếu như bạn dùng gaming gear “dỏm” thì chắc chắn chắn bạn sẽ không thể nào có được trải nghiệm hoàn hảo.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 7.

Người mới thường dồn phần lớn kinh phí build PC của mình cho linh kiện phần cứng, dẫn đến việc thiếu kinh phí để đầu tư cho gaming gear. Việc mua gaming gear giá rẻ không có gì đáng trách cả, trước đây mình cũng vậy. Các bạn học sinh, sinh viên chưa có điều kiện cũng vậy. Mình chỉ muốn nói là bạn đừng vội hài lòng với những bộ gaming gear “chống cháy. Khi có điều kiện, hãy hướng đến những điều gì đó tốt hơn cho bản thân.

Nếu bạn rành thì nên tham khảo sản phẩm kỹ ngay từ khi ở nhà, tránh để bị “sốc giá”

Có rất nhiều người lúc chuẩn bị đi mua đồ thì cứ tính sơ sơ, đến hồi ra tới cửa hàng để build PC, nghe tư vấn viên tính một hồi thì sốc vì nó đội giá thấy mà ghê. Bạn có rành PC cỡ nào cũng vậy, tốt nhất là nên tính kỹ một chút, cẩn tắc vô ưu mà.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 8.

Cẩn thận với các “gian thương”

Thời đại 4.0 “gian thương” lộng hành và nạn “chăn gà” thì chẳng chừa một ai. Trên mạng xã hội không thiếu những “kèo” thơm mà kẻ xấu và các đơn vị bán hàng không uy tín dựng lên để trục lợi bất chính từ người dùng. Thủ đoạn thường thấy nhất của mấy tên này là quảng cáo những cấu hình “nghe thì có vẻ xịn” để dụ dỗ khách hàng. Mình sẽ lấy một ví dụ cho các bạn dễ hình dung:

Một bài viết trên Facebook đăng tải: “Cấu hình i7, RAM 8GB, Card 2GB, có SSD, giá cực thơm chỉ 7 triệu cho anh em sinh viên”

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 9.

Nghe thì có vẻ cũng được đấy, một con chip Core i3 bây giờ tệ lắm cũng hơn 2 triệu đồng rồi. Nguyên bộ máy chỉ có 7 triệu đồng thì tội gì không mua? Nhưng mà các bạn ơi, chẳng có ai cho không nhau cái gì cả. Core i7 nhưng là đời nào? Một con i7 đời 2 thua xa i3 đời 8 nhé. Card 2GB thì không rõ là card gì, GT 730 yếu hơn rất nhiều so với GTX 1050 nhưng lại có cùng mức VRAM là 2GB. SSD thì mấy cái SSD cũ tầm 60GB gần như chẳng làm gì được ngoài việc cài Windows cả.

Vì thế nên tốt nhất là khi build PC, bạn hãy nhờ người quen rành công nghệ hoặc trực tiếp liên hệ đơn vị bán hàng để được tư vấn kỹ càng nhất nhé.

Có những linh kiện rất khó lỗi thời, bạn không cần tiếc tiền với chúng

Có một số linh kiện rất khó lỗi thời, bao gồm case, tản, nguồn và quạt. Mấy thứ này không dính dáng hoặc liên quan rất ít đến linh kiện bán dẫn nên gần như không thể lỗi thời. Nếu bạn có lỡ tay đầu tư nhiều chút vào mấy thứ này thì cũng không có gì phải ngại. Một cái case vừa xịn vừa ngầu sẽ bảo vệ linh kiện của bạn lâu dài, nhìn cũng thích mắt.

Top 10 lưu ý khi đi mua linh kiện và build PC - Ảnh 10.

Quạt và tản nhiệt xịn thì nó sẽ giúp các linh kiện của bạn luôn trong tình trạng mát mẻ để sống khỏe với thời gian. Một bộ nguồn tốt và mạnh mẽ, thừa công suất cũng sẽ giúp bạn dễ dàng nâng cấp những linh kiện mạnh hơn, ăn điện hơn về sau.

Trên đây là những lưu ý mà mình đúc kết được từ kinh nghiệm cá nhân. Hy vọng chúng sẽ giúp ích được cho các bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo