6 bản PES huyền thoại đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều game thủ Việt (Phần 1)
PES 2008
Tiếp tục truyền thống dùng các siêu sao bóng đá để quảng bá sản phẩm, Konami đã kí hợp đồng với những biểu tưởng trong làng túc cầu giáo lúc bấy giờ để giới thiệu đứa con tinh thần PES 2008 của mình. Đó là Cristiano Ronaldo, Michael Owen (tại thị trường Anh), Didier Drogba (Pháp), Jan Schlaudraff (Đức), Gianluigi Buffon (Italy) hay Lucas Neil (Úc).
Bên cạnh đó, PES 2008 còn là phiên bản đầu tiên được Konami thử nghiệm một tính năng mới mang tên Teamvision. Theo hãng game Nhật Bản, Teamvision là một hệ thống AI phức hợp có khả năng nhận biết và thay đổi một cách tương thích với phong cách thi đấu của người chơi. Cụ thể, nếu bạn thiên về đá cánh, Teamvision sẽ giúp các cầu thủ máy biết giãn cách đội hình hoặc bám biên. Còn khi thi đấu với phong cách phối hợp trung lộ, các cầu thủ máy sẽ tự động chọn vị trí cũng như di chuyển lên tục để phá bẫy việt vị của đối phương.
PES 2013
Sau nhiều năm đi vào ngõ cụt, thương hiệu Pro Evolution Soccer đã trở lại mạnh mẽ trong mùa giải 2012-2013. Với một phiên bản được cho là hoàn hảo nhất trong cả series, PES 2013 thực sự đã cứu vãn thế cục quá lép vế của PES so với FIFA trong nhiều năm trước đó.
Trong rất nhiều thay đổi của PES 2013, nổi bật nhất phải kể đến khả năng kiểm soát bóng (ball control) của cầu thủ. Nhìn một cách khách quan, đây có thể coi là một chi tiết mà PES đã “học tập” từ địch thù truyền kiếp FIFA. Nhiều kĩ năng được thêm vào, bao gồm các kĩ thuật nhận bóng (dừng bóng, đỡ bóng, bỏ bóng), rê bóng trong phạm vi hẹp (với nhiều tốc độ khác nhau), và cả khả năng điều chỉnh hướng sút bóng theo ý bạn. Điều này dẫn đến việc sẽ xuất hiện nhiều cú sút chính xác hơn so với kiểu chỉnh nút 9 hướng truyền thống.
Về mảng phòng ngự, AI và khả năng tranh chấp bóng trên không của các hậu vệ, thủ môn cũng sẽ được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, nhà sản xuất còn ra mắt một feature hoàn toàn mới là Player ID. Đây là một tính năng làm cho các cầu thủ trong game chạy, rê bóng, sút, phòng ngự, ăn mừng, cứu thua,… giống hệt như bản sao ngoài đời thực của họ.
PES 2018
Điểm sáng cuối cùng trong kỷ nguyên của Pro Evolution Soccer chính là PES 2018, phiên bản ra mắt cách đây 3 năm. Với Konami, PES 2018 còn có giá trị nhiều hơn một tựa game đơn thuần. Nó thể hiện một góc nhìn cởi mở hơn của Konami nói riêng và làng game Nhật Bản nói chung, khi họ đã chịu tiếp cận đến một trong những giá trị cốt lõi của game. Đó là PC. Có thể nói, bản PC của PES 2018 chính là sản phẩm tuyệt vời nhất của series này trong suốt gần 20 năm qua.
Với những gì đã thể hiện, có thể thấy PES 2018 vẫn giữ được những phẩm chất nổi bật của dòng trò chơi này như: Real Touch – chạm bóng chân thực, Precis Pass – chuyền bóng chuẩn xác, lối chơi nhanh, tốc độ, thiên về thể lực và đối đầu trực tiếp… Bên cạnh đó, một điểm đặc biệt của PES 2018 là Konami đã sử dụng Fox Engine cho phiên bản PC của trò chơi này. Điều này đồng nghĩa với việc giờ đây bản PC và bản Console của PES sẽ gần như tương đồng và có rất ít điểm khác nhau.
So với các phiên bản trước, PES 2018 thực sự nổi bật với hiệu ứng vật lý chân thật và trí tuệ nhân tạo được cải tiến hơn rất nhiều. Với hiệu ứng vật lý, bạn sẽ thấy điều này rõ nhất ở phong cách chơi bóng của mỗi cầu thủ, đặc biệt là những pha xử lý bước một. Khi điều khiển một cầu thủ có thiên hướng kỹ thuật cao như Messi hay Hazard, các bạn sẽ cảm nhận được những pha chạm bóng cực kỳ thanh thoát và mềm mại. Nếu kết hợp với một số trick trong game, những ngôi sao này thực sự có thể biến thành những ảo thuật gia trên sân cỏ. Ngược lại, với những cầu thủ có thiên hướng sức mạnh kiểu như Lukaku hay Fellaini, việc xử lý bóng trong phạm vi hẹp là cực kỳ khó khăn. Thậm chí, đôi khi bạn sẽ thấy họ vô duyên và vụng về ý như ngoài đời thực.
Nhìn chung, với các bản 2019, 2022 và 2021 đều mờ nhạt và không có quá nhiều điểm nhấn, PES 2018 có thể coi là nốt thăng cuối cùng của thương hiệu Pro Evolution Soccer.