Ở phương Tây, manga đang trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết, thậm chí lấn át cả những bộ comic siêu anh hùng truyền thống. Một số tựa manga nổi tiếng đã bắt đầu xuất hiện trong danh sách đề cử và thậm chí dành được giải thưởng Eisner – giải thưởng truyện tranh danh giá của Mỹ. Xuất hiện lần đầu vào năm 1988, giải Eisner đôi khi cũng được so sánh là “giải Oscar dành cho lĩnh vực truyện tranh”.
Năm 2021 đã đánh dấu một bước phát triển mới của thị trường manga, với nhiều series xuất sắc được vinh danh trong danh sách đề cử Eisner.
1. I Don’t Know How To Give Birth!
“I Don’t Know How To Give Birth” là một bộ manga mang tính tự truyện với nhiều yếu tố đời thường hài hước. Manga kể về cuộc sống của mangaka Ayami Kazam và những trải nghiệm đầy khó khăn của một người phụ nữ sắp làm mẹ. Azami cũng là tác giả nổi tiếng đứng sau các siêu phẩm manga như “Miss Kobayashi’s Dragon Maid.”
2. I Had That Same Dream Again
“I Had That Same Dream Again” là bộ truyện tranh chuyển thể từ tiểu thuyết của Yoru Sumino và Idumi Kirihara. Câu chuyện kể về Nanoka Koyanagi, một học sinh lớp 12 vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn về khái niệm hạnh phúc. Cô tiến hành một dự án ở trường học, phỏng vấn ba người phụ nữ hoàn toàn không liên quan đến nhau để tìm kiếm câu trả lời.
Trong ba phụ nữ, có một người khá lớn tuổi với tính cách thân thiện, một cô gái có thói quen self-harm và một nữ sinh thường bị bạn đồng trang lứa hắt hủi. Thông qua những người phụ nữ này, Nanoka mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về chính bản thân mình và ý nghĩa thực sự của “hạnh phúc”.
3. I Wish I Could Say “Thank You”
“I Wish I Could Say “Thank You” là một tác phẩm của Yukari Takanami. Câu chuyện kể về cách Yuraki và gia đình cô đối mặt với sự qua đời của người mẹ. Manga này có thể được xem là một cuốn tự truyện của chính tác giả Yukari, có phong cách vẽ khá đơn giản, câu chuyện cũng không quá kịch tính mà mang cảm giác gần gũi, thường ngày.
4. A Journal Of My Father
“A Journal Of My Father” của tác giả Jiro Taniguchi mang đến một câu chuyện nhẹ nhàng, cảm động khác về gia đình. Sau cái chết của cha, Yoichi Yamashita trở về gia đình. Khi đám tang đến gần, Yoichi nhớ lại thời thơ ấu của bản thân và mối quan hệ lạnh lùng, xa cách của mình với cha, đặc biệt sau khi cha mẹ anh ly dị. Từ từ, Yoichi nghiền ngẫm lại tính cách của cha mình và mối quan hệ thực sự của họ cũng như những người khác trong gia đình.
5. Ping Pong
Manga “Ping Pong” của tác giả Taiyo Matsumoto là Makoto và Yutaka, hai học sinh cùng mới bắt đầu cuộc sống trong trường học. Cả hai đều là những tuyển thủ bóng bàn kỳ cựu. Luôn tỏ ra dè dặt với bộ môn thể thao này, huấn luyện viên vẫn nhìn thấy những tiềm năng tuyệt vời của họ, dẫn dắt họ đến vòng chung kết bóng bàn quốc tế. Giống như nhiều bộ manga xuất sắc về thể thao khác, “Ping Pong” sẽ tập trung vào các buổi luyện tập đầy mồ hôi và nước mắt của Makoto và Yutaka, cũng như đam mê của họ dành cho bộ môn bóng bàn.
6. Remina
“Remina” là tác phẩm kinh dị nổi tiếng của Junji Ito. Câu chuyện trong manga bắt đầu vào một ngày các nhà khoa học trái đất phát hiện ra Remina – một ngôi sao xa xôi mới xuất hiện. Hành tinh bí ẩn này được đặt tên theo Remina, con gái của nhà khoa học phát hiện ra nó. Nhưng trái ngược với sự hào hứng của công chúng, Remina Hellstar lại là một hành tinh chết chóc, ngấu nghiến tất cả những gì ngáng đường nó, và đang tiến thẳng tới trái đất.
7. Spy X Family
Manga nổi tiếng nhất trong danh sách này có lẽ chính là “Spy X Family”, một tác phẩm của Tatsuya Endo. Manga xoay quanh câu chuyện đầy hấp dẫn về một điệp viên có mật danh Twilight đang dấn thân vào một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất trong sự nghiệp của anh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, anh chàng phải có một gia đình giả. Chuyện này dẫn tới chuyện kia, Twilight vô tình nhận nuôi một cô con gái 6 tuổi có siêu năng lực ngoại cảm, kết hôn với một nữ sát thủ khét tiếng mà không hề hay biết.
“Spy X Family” đã nhanh chóng gây sốt ngay từ những ngày đầu ra mắt, hiện tại đã được mua bản quyền và xuất bản rộng rãi tại Việt Nam.