Các sinh vật thần thoại hay tạo vật kỳ bí trong truyền thuyết cổ đại luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi quanh cuộc sống của con người, từ những tác phẩm điêu khắc cổ đại, những câu chuyện dân gian cho đến phim ảnh, tiểu thuyết, âm nhạc, game… Đôi khi người ta cho rằng chúng được lấy cảm hứng từ những sinh vật có thật thời cổ đại, đôi khi chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng tuyệt vời của con người qua nhiều thế hệ.
Thủy quái Kraken
Theo thần thoại Scandinavia, Kraken là quái vật biển khổng lồ, có chiều dài khoảng 1 dặm (1,61 km). Nó thường tấn công các con tàu và cơ thể của nó to lớn đến mức thường bị nhầm với một hòn đảo. Kraken được đề cập đến lần đầu tiên là trong tác phẩm Orvar-Oddr, một câu chuyện của người Iceland vào thế kỷ 13 kể về hai quái vật biển Hafgufa và Lyngbakr. Hafgufa được cho là có liên quan đến Kraken.
Trong một số văn bản khoa học như ấn bản đầu tiên của Systema Naturae (1735), nhà thực vật học, bác sĩ kiêm động vật học Thụy Điển Carolus Linnaeus đã liệt kê Kraken vào danh sách sinh vật. Tuy nhiên, ở các ấn phẩm sau, nó đã bị loại bỏ. Carolus Linnaeus miêu tả lại sinh vật này trong một tác phẩm khác là Fauna Suecica (1746), ông cho rằng Kraken là quái vật độc nhất sống ở vùng biển Na Uy. Khá nhiều nhà sử học đưa ra giả thuyết Kraken có thể được tưởng tượng ra khi người cổ đại bắt gặp những con mực khổng lồ với phần thân có thể dài đến 18 mét.
Grendel – Quái vật ở Hrothgar
Beowulf là sử thi anh hùng của người Anh cổ, lấy bối cảnh ở Scandinavia và được xem như một trong số các tác phẩm quan trọng nhất của văn học Anglo-Saxon. Sử thi kể về Beowulf, một người anh hùng đã đến giúp Hrothgar, vị vua người Đan Mạch, đánh bại một con quái vật gọi là Grendel. Con quái vật này trước đó đã tìm đến đại sảnh do vua Hrothgar xây dựng để quấy nhiễu cũng như đe dọa cả vương quốc.
Ngày nay, các nhà khảo cổ đã xác định được những dấu vết của đại sảnh này, nó có thể nằm Lejre, một địa điểm cách Copenhagen 23 dặm về phía tây. Nhiều giả thuyết lý giải Grendel (có nghĩa là “kẻ hủy diệt”) ban đầu có thể là một hình tượng hư cấu đại diện cho linh hồn độc ác, chịu trách nhiệm cho những bệnh tật, chết chóc và kẻ thù hung dữ nào đó mà con người thời bấy giờ chưa biết đến.
Kappa – Truyền thuyết Nhật Bản
Truyền thuyết dân gian của Nhật Bản kể rằng Kappa là một yêu quái thường sống ở sông hồ, thích nuốt chửng trẻ em không nghe lời. Kappa, có nghĩa là “đứa trẻ ở sông”, được miêu tả có mình rùa, mỏ nhọn, chi có màng như chi ếch và trên đầu có cái lỗ chứa đầy nước. Mặc dù chủ yếu là sinh vật nước, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn lên cạn. Tuy nhiên, đầu của chúng vẫn phải được giữ ướt, nếu không sẽ mất đi sức mạnh.
Dù chỉ là sinh vật trong truyền thuyết nhưng nhiều người Nhật vẫn tin vào sự tồn tại của nó. Thậm chí, tại một số hồ nước, họ còn dựng biển cảnh báo có Kappa. Tuy nhiên, cũng có không ít người lại đưa ra giả thuyết cho rằng Kappa thực chất chỉ là hình ảnh phóng đại của con kỳ nhông khổng lồ trong thực tế, hay còn gọi là “hanzaki”, loài này hung dữ và thường tấn công con mồi bằng bộ hàm khỏe.
Naga – Thủy thần
Theo thần thoại, các naga là rắn thần, thường sống ở đại dương, sông, hồ hoặc thác nước. Naga được miêu tả có vảy đen, dài tới hàng trăm mét. Người xưa thường thờ cúng Naga, xem như là hiện thân của thủy thần và nắm giữ quyền tạo ra mưa. Naga giữ nhiệm vụ bảo vệ các ngôi đền và thánh địa.