Có rất nhiều sinh vật thần thoại quen thuộc với chúng ta ngày nay có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp như ma cà rồng, nhân mã, nhân sư… Thậm chí, một số nhân vật còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho việc sáng tạo trên nhiều lĩnh vực như Medusa, Pegasus và Minotaur.
Những sinh vật thần thoại này còn được biết đến và kể lại là nhờ vào các nguồn tài liệu văn học phong phú cũng như các bằng chứng khảo cổ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng chúng ta vẫn vẫn để lỡ mất nhiều loài sinh vật kì dị trong thần thoại Hy Lạp.
Dracaenae
Tiên cá với hình dạng nửa người nửa cá thì hẳn là ai cũng biết, vì chúng rất phổ biến trong văn hóa đại chúng. Nhưng còn dracaenae thì sao?
Dracaenae là một sinh vật trong thần thoại Hy Lạp. Phần thân trên của dracaenae là một phụ nữ xinh đẹp và thân dưới là một con rồng gớm ghiếc. Dracaenae nổi tiếng nhất có lẽ là Kampe, nhân vật đã được giao nhiệm vụ canh giữ những cánh cổng của ngục Tartaros. Kampe khá đáng sợ, ả được miêu tả có phần cơ thể của rồng, một cái đuôi của bọ cạp có thể tiêm nọc độc chết người, xung quanh chân Kampe là hàng trăm con rắn, phần đầu của năm mươi con thú như gấu chẳng hạn, quanh eo ả là những con sói và một đôi cánh lớn màu đen.
Chim Stymphalian
Loài chim trong thần thoại này được biết đến nhiều ở kỳ công thứ sáu của Herakles, chúng có âm thanh cực kỳ đáng sợ. Tên của chúng lấy theo nơi chúng cư ngụ – một đầm lầy có thật ở Stymphalia. Tương truyền loài chim này ăn thịt người với lưỡi kiếm giống như những chiếc lông vũ kim loại mà chúng có thể phóng về phía cách mục tiêu của mình. Chiếc mỏ của chúng bằng đồng và phân thải ra có độc.
Cerastes
Cerastes, có nghĩa là “có sừng”, là một loại mãng xà trong truyền thuyết Hy Lạp. Nó được cho là hoàn toàn không có xương mà chỉ có một cặp sừng lớn, tương tự như sừng cừu. Leonardo Da Vinci viết về các cerastes và miêu tả chúng như những kẻ săn mồi ẩn nấp.
Người ta cho rằng cerastes trong thần thoại được sáng tạo dựa trên một loài vật có thật. Loài rắn có sừng, chúng có những cục u giống như sừng trên mắt và thường săn mồi theo cách phục kích, được xem là nguồn cảm hứng đời thực cho sinh vật thần thoại này. Tuy nhiên, rắn có sừng không hạ được đối thủ nào to lớn như cerastes trong truyền thuyết.
Onocentaur
Onocentaur là loài họ hàng kém trang nhã hơn của centaur. Onocentaur cũng chỉ có nửa người, nhưng nửa còn lại không phải ngựa mà là lừa. Pythagoras và sau này là Aelian đều miêu tả onocentaur như một loài có tính khí hoang dã, hung bạo và khó mà nhận nhầm được.
Onocentaur được mô tả là có hai chân sau của một con lừa trong khi nửa thân trước thì phức tạp hơn một chút, nó vừa có thể dùng cánh tay làm chân trước khi chạy, vừa có thể sử dụng để xách đồ nếu cần.