Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 1.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 2.

Vào năm 2014, tức 2 năm trước khi “Kẻ phá kỷ lục” Kimetsu no Yaiba chính thức ra đời, tác giả Gotouge Koyoharu sáng tác nên truyện ngắn Kagarigari cho cuộc thi tìm kiếm tác giả mới của tạp chí Weekly Shonen Jump (70th Shonen Jump Newcomer Treasure). Tuy nhiên, khi đó Gotouge tiên sinh đã định vứt bỏ tác phẩm vì nghĩ rằng bản thân sẽ chẳng đi đến đâu. Chính nhờ gia đình động viên gửi đi tham dự mà cuối cùng một tiềm năng hiếm có đã được tìm ra: Kagarigari đoạt giải cao nhất, đánh dấu mốc Gotouge tiên sinh chính thức bước chân vào giới sáng tác chuyên nghiệp.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 3.

Kagarigari – tiền đề để tạo nên Kimetsu no Yaiba của hiện tại.

Kagarigari cũng chính là tiền đề tạo nên Kimetsu no Yaiba sau này. Xét về khả năng vẽ lẫn truyền tải nội dung thì Kagarigari thể hiện rõ sự non nớt thiếu kinh nghiệm của người sáng tác. Tác giả ít dùng các kỹ thuật đánh bóng tạo khối phức tạp và thường đi nét rất mảnh, góc chiếu lẫn cách chia khung tranh đều rất đơn giản. Cách vẽ này khiến cho các khung tranh trông rất “tĩnh”. Nhịp độ câu chuyện chuyển cảnh đan xen liên tục khiến độc giả cảm giác như đây là một kịch bản phim hơn là một mẩu truyện tranh. Tác phẩm trở nên rất khó đọc đối với các độc giả nhỏ tuổi.

Tuy chứa đựng sự thô sơ của một tác giả mới thiếu sự đào tạo, nhưng sự “độc đáo, cá biệt” thì đã hiện lên rất rõ – yếu tố tiên quyết giúp cho Gotouge nổi bật lên và giành được một vị trí đăng truyện trên Weekly Shonen Jump giữa hàng trăm mangaka khác.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 4.

“Thanh gươm diệt quỷ” được triển khai lên từ Kagarigari, trong đó khắc phục được hầu hết các khuyết điểm từ truyện ngắn đầu tay và độ nhuần nhuyễn thì được cải thiện qua quá trình sáng tác. Từ bỏ việc lấy những nhân vật lập dị, thâm trầm làm trung tâm mà lại chọn một cậu bé bán than giản dị, giàu lòng nhân hậu là chìa khóa tạo nên sự gần gũi đối với độc giả. Vẫn giữ lại thế giới quỷ-người đan xen đầy tàn khốc nhưng đưa thêm vào những khoảnh khắc hài hước đầy giải trí, Kimetsu no Yaiba đã trở nên phù hợp và dễ đọc hơn rất nhiều, thậm chí đối với cả học sinh tiểu học. Không khí u ám ảm đạm của nguyên tác Kagarigari qua đó được giảm bớt nhưng vẫn không đánh mất đi cái chất kỳ bí đậm màu nghệ thuật truyền thống Nhật Bản vốn đã thiết lập từ trước.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 5.

Manga Thanh gươm diệt quỷ được yêu thích đến mức mà khi đăng chưa tới 10 chương truyện, tác giả đã được yêu cầu vẽ tranh màu và thêm trang. Từ một khởi đầu như vậy, tác phẩm chưa bao giờ lọt quá top 15 bình chọn yêu thích hàng tuần của độc giả, hứa hẹn một tương lai tồn tại bền vững trên tạp chí manga có độ cạnh tranh khốc liệt số 1 Nhật Bản này.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 6.

Cộng đồng fan Việt đa số biết đến Kimetsu no Yaiba chỉ khi bản anime đã được công chiếu, từ đó cứ nghĩ rằng mọi thành công mà tác phẩm có được cho đến ngày nay tất cả đều nhờ vào hiệu ứng hoạt họa đỉnh cao của studio Ufotable.

Những trận chiến dưới nét vẽ phong cách “tĩnh” của Gotouge đã hoàn toàn bùng nổ dưới bàn tay hoạt họa thần sầu của Ufotable. Góc quay chuyển đổi liên tục, hiệu ứng kiếm khí của các loại Hơi thở đều được đầu tư vẽ tay chi tiết đến từng khung hình. Không những thế, chi tiết thực hiện từng kỹ thuật Hơi thở cũng được bổ sung và làm rõ hơn so với trong nguyên tác, vốn vì số lượng trang bị giới hạn lẫn hạn chế khả năng vẽ của chính tác giả mà chỉ được thể hiện qua một hoặc hai khung tranh kèm lời diễn giải.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 7.

Ufotable cố gắng trung thành nhất có thể đối với nguyên tác, giữ lại hầu hết các tạo hình gốc của tác giả Gotouge đến từng chi tiết nhỏ đồng thời đẩy mạnh những chi tiết nêu bật văn hóa truyền thống cận đại thời kỳ Taisho ở Nhật – Điều này làm hài lòng các fan trung thành vốn theo và ủng hộ manga ngay từ thời kỳ đầu. Đồng thời sự linh động trong mặt hình ảnh mà Ufotable mang lại cho tác phẩm đã thu hút thêm một lượng lớn người tiếp cận và tìm hiểu tác phẩm.

Dàn staff tạo nên anime “Thanh gươm diệt quỷ” đều là những nhân vật nổi tiếng top đầu của ngành công nghiệp anime/manga. Âm nhạc làm nền trong Kimetsu no Yaiba do một tay nữ nhạc sĩ Kajiura Yuki, người được mệnh danh “phù thủy âm nhạc”, biên soạn nên. Bài hát chủ đề “Gurenge” do ca sĩ LiSA thể hiện ngay lập tức trở thành hiện tượng mới của làng âm nhạc với hàng loạt giải thưởng chỉ trong thời gian ngắn. 

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 8.

Một chi tiết phụ như phông chữ giới thiệu các Trụ cột cũng do studio Ufotable bỏ công sức mua bản quyền từ lão nghệ nhân làng thư pháp Sakaguchi Kouki.

Thực sự không thể phủ nhận sự đầu tư quá mức công phu của nhà sản xuất anime vào tác phẩm. Tuy nhiên, thành công rực rỡ mà tác phẩm “Thanh gươm diệt quỷ” đạt được cho đến giờ không chỉ dựa hoàn toàn kỹ xảo của Ufotable.

Theo cuốn “Điểm bùng phát” của nhà xã hội học Malcolm Gladwell thì có 3 yếu tố khiến một thứ trở nên bùng nổ độ nổi tiếng, thiếu một trong ba yếu tố thì sẽ không thể tạo ra đột phá được: được chứng nhận chất lượng bởi chuyên gia cùng lĩnh vực, được lan truyền bởi người có sự quảng giao và tầm ảnh hưởng tới công chúng và nội lực tự thân của sản phẩm.

Trong trường hợp của Kimetsu no Yaiba thì vai trò “chuyên gia” thuộc về hãng Ufotable, đó là một sự đảm bảo bước đầu về chất lượng cốt truyện. Ít ai biết được rằng hãng sản xuất anime uy tín ấy đã quyết định chọn Kimetsu no Yaiba để làm chuyển thể từ khi bộ truyện mới chỉ ra được một thời gian ngắn. Chính NSX Takahashi là người đã chủ động liên lạc NXB Shueisha và ngỏ ý muốn chuyển thể tác phẩm, ông đã sớm nhận ra tiềm năng vô hạn thể hiện trong tác phẩm.

Vai trò “người quảng giao” thuộc về hệ thống phát hành và quảng bá anime vốn rất mạnh mẽ khiến cho cái tên Kimetsu no Yaiba được biết đến cả trong và ngoài Nhật Bản. Họ đã chọn chiếu phim cả trên các ứng dụng trực tuyến thay vì chỉ chiếu theo lịch cố định thông qua tivi gia dụng, đều này giúp tăng rất nhiều lượng khán giả tiếp cận phim.

Thứ ba là bản thân manga có nhiều nét đặc sắc có thể chạm đến trái tim của người đọc mà chúng ta vẫn hay bàn luận. Sau tất cả những hiệu ứng đồ họa đẹp mắt, những màn chiến đấu tàn khốc và mãn nhãn, điều đọng lại trong lòng khán giả là những khoảng lặng cảm xúc mà cốt truyện mang lại.

Nếu tác phẩm gốc chỉ là một thứ thiếu đặc sắc được sự “huyền ảo” của Ufotable bồi đắp và “cứu vớt”, người đọc có thể ngừng mua manga và chờ đợi phần phim tiếp theo. Vậy mà các số liệu bán truyện thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Kể cả khi mùa 1 của anime đã kết thúc hơn nửa năm, doanh số bán truyện vẫn tăng đều và tăng mạnh mẽ hơn cả khi anime vẫn đang được công chiếu. Lịch in nối bản đều đặn và thậm chí còn được lên kế hoạch trước cả khi phát hành tập mới đã đủ để thể hiện độ thu hút không thể cưỡng lại của nguyên tác.

“Mặc dù có thể có bạn biết về manga thông qua anime, nhưng bản thân mỗi anime đâu có tạo được tiếng vang. Bất kể điều gì khác thì chính manga vẫn mang nét thú vị. Do chất lượng nguyên tác đã sẵn tốt, ufotable đã có thể tạo ra một bộ anime tuyệt vời.” – NSX Takahashi Yuma.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 10.

Thể hiện chủ đề “Tình bạn, nỗ lực và thắng lợi” của tạp chí tuần san Shonen Jump một các nhuần nhuyễn, nguyên tác manga lẫn bản anime chuyển thể đã trở thành một hiện tượng xã hội, mang chiều sâu và sự hiện diện rõ rệt trong lĩnh vực Truyền thông và Nghệ thuật.

Được đăng dài kỳ từ năm 2016 trên tạp chí tuần san Shonen Jump trực thuộc nhà xuất bản Shueisha – tạp chí truyện tranh bán chạy nhất và có độ cạnh tranh khắc nghiệt nhất Nhật Bản, tác phẩm nhanh chóng nhận được sự quan tâm trong mắt các độc giả trung thành của tạp chí. Câu chuyện về một thiếu niên nghèo khó sau biến cố gia đình đã phải đi trên con đường diệt quỷ khốc liệt và tàn bạo để tìm cách cứu người em gái của mình trở lại làm người. Nếu chỉ nghe qua cốt truyện, độc giả dễ dàng tìm thấy một mô-típ như vậy ở rất rất nhiều những tác phẩm truyện tranh thiếu niên khác. Nhưng chính sự độc đáo trong quá trình triển khai lẫn cách đặt thoại cực kỳ xuất sắc của tác giả Gotouge đã biến cốt truyện thông thường ấy thành một thứ “không thường”.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 11.

Với tổng cộng hơn 150 triệu bản phát hành, Kimetsu no Yaiba đã trở thành bộ truyện tranh bán chạy nhất Nhật Bản hai năm liền (2019-2020) và tác giả Gotouge Koyoharu qua đó đã giành giải thưởng Cống hiến vì sự nghiệp xuất bản. Không những thế, bản anime chuyển thể được khán giả bình chọn là Anime của năm và được hội đồng chuyên môn bình chọn là Nguyên tác xuất sắc nhất. Gần đây, movie “Chuyến tàu vô tận” đã đánh bại tượng đài Vùng đất linh hồn để trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất Nhật Bản, đồng thời, tác phẩm cũng đã lọt vào vòng xét tuyển cho giải OSCAR của Viện Hàn lâm Mỹ. Riêng tác giả Gotouge Koyoharu được bình chọn trong top 100 gương mặt của năm do tạp chí TIME chủ trì dưới hạng mục “Hiện tượng” và là tác giả truyện tranh đầu tiên được nhắc đến tại đây.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 12.

Giữa tình bạn hài hước của các nhân vật chính, sự nỗ lực của họ dẫn đến chiến thắng vẻ vang luôn âm vang niềm trân quý tình thân, kể cả ở phe phản diện hay chính diện. Tôn chỉ này hòa hợp với truyền thống trân trọng gia đình trong văn hóa Việt Nam, có lẽ bởi vậy mà “Thanh gươm diệt quỷ” đã đạt thành công ngoài sức tưởng tượng tại thị trường xuất bản Việt, khi mà bộ truyện đã nhanh chóng trở thành tác phẩm truyện tranh bán chạy nhất tại xứ sở hình chữ S.

Sinh ra vốn không phải mạnh mẽ hay quá xuất sắc, không phải con ông cháu cha và đến tận cuối truyện, Tanjiro lại đem tới cho người xem nhiều cảm xúc đáng nhớ, bởi thứ tính cách hành động mang đậm chất giản đơn và đầy bản năng của cậu. “Được sinh ra đã là một phước lành.”, đó mới là thứ mà các độc giả Kimetsu no Yaiba sẽ còn nhớ mãi về sau này và bộ truyện làm nên thành công không tưởng cho ngành công nghiệp truyện tranh – phim hoạt hình Nhật Bản. Không chỉ hôm nay, không chỉ ngày mai, mà còn là một tác phẩm để đời cho cả những thế hệ sau này.

Kimetsu no Yaiba: Từ bản thảo manga bỏ đi cho tới biểu tượng văn hóa đương đại xứ hoa anh đào - Ảnh 13.

DS, Diệu Hiền

WINTERWINDZZ

24/03/2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo