8 game có cốt truyện sinh ra để “lừa” game thủ (P1)
Life is Strange
Life is Strange là một game có cốt truyện rất hay và ấn tượng, nhưng còn hai cái kết của game, thì thực sự khiến game thủ cảm thấy tồi tệ. Bởi vì dù có đến hai cái kết, nhưng cái kết nào cũng không hoàn toàn là kết đẹp, hay nói cách khác, dù chọn cái kết nào thì bạn cũng là kẻ thua cuộc mà thôi. Life is Strange có hai cái kết: hoặc là hy sinh cô bạn Chloe để cứu thị trấn và hàng ngàn mạng sống, hoặc cứu sống cô ấy và để thị trấn bị phá hủy. Lựa chọn nào cũng đều tồi tệ cả, nhưng vấn đề của game là dù trước đó bạn có lựa chọn như thế nào thì cuối cùng game cũng vẫn đi về hai lựa chọn đó mà thôi, không có gì khác biệt hết. Đó là điểm mà khá nhiều game thủ thấy không hài lòng với Life is Strange.
Assassin’s Creed 3
Với Assassin’s Creed 3, chúng ta có hai cái kết, một là ở quá khứ với Connor, hai là ở hiện đại với Desmond. Và hai cái kết này, chỉ có một cái thực sự tốt, và đó là cái kết của Connor. Connor đã chiến đấu và giúp cuộc cách mạng thuộc địa Mỹ thành công, nhưng anh nhận ra rốt cuộc chính phủ của Washington cũng chỉ là một dạng “nâng cấp” của chính phủ Anh trước đây. Cuối cùng Connor chiến đấu vất vả như vậy cũng chẳng để làm gì cả, một cái kết thật buồn và ám ảnh.
Quay lại thời hiện đại với Desmond, thế giới sắp đến ngày tận thế, và để cứu Trái Đất, Desmond phải kích hoạt hệ thống các Đền thờ khắp thế giới để tạo ra một màn chắn bảo vệ Trái Đất và Desmond phải tự hy sinh bản thân mình. Nó lẽ ra là một đoạn kết cảm động nhưng cách thể hiện lại không thật sự để lại ấn tượng cho người chơi. Cảm giác cứ như hai người khác nhau viết hai cái kết cho game vậy, một cái kết của Connor thì buồn và ám ảnh, cái kết của Desmond thì lại… hơi kỳ cục và không có được sự ấn tượng cần thiết.
Bioshock Infinite
Có thể nói Bioshock Infinite là một trong những game có cốt truyện hack não bậc nhất, đặc biệt là cái kết của game. Để nói ngắn gọn thì, bạn tìm cách giết bản thân bạn từ tương lai để ngăn cản bản thân bạn. Và kế tiếp, người đồng hành Elizabeth tìm cách dìm chết bạn để ngăn chặn mọi khả năng bạn có thể gây hại từ một chiều không gian khác – để xóa bỏ hoàn toàn sự tồn tại của bạn. Một cái kết thật sự không mấy dễ chịu.
Enslaved: Odyssey to the West
Tựa game này là một ví dụ điển hình của thất bại trong việc truyền tải cốt truyện game, dù nó đã rất cố gắng để làm tốt hơn. Vấn đề của game này là nó sử dụng một cú twist kinh điển đã được dùng trong bộ phim “The Matrix”, và lẽ dĩ nhiên là nó gần như chả có gì đột phá hết. Kể cả có Andy Serkis lồng tiếng cho nhân vật chính cũng không thể cứu tựa game khỏi việc bị đánh giá thấp vì không có đột phá trong cốt truyện.