Thiên tài thực ra là một khái niệm tương đối khó phân biệt, bởi có người giỏi mảng này, người giỏi ở lĩnh vực khác. Vậy nên, chúng ta sẽ tạm coi thiên tài là những người không chỉ giỏi mà còn xuất chúng ở lĩnh vực của họ.
Và giờ chúng ta sẽ đến với một ý tưởng như trong phim. Giả sử có một nhà triệu phú quyết định tạo ra một ngân hàng tinh trùng, nơi chỉ lưu trữ nguồn gene của những người xuất chúng nhất: người đạt giải Nobel, vận động viên vô địch Olympic, rồi thiên tài với chỉ số IQ vượt trội… Mục đích của ngân hàng dĩ nhiên là để tạo ra một thế hệ thông minh hơn, khỏe mạnh hơn và lao động hiệu quả hơn cho xã hội.
Nghe hấp dẫn đúng không? Chỉ là đây không phải là kịch bản phim đâu. Nó thực sự đã xảy ra rồi!
Robert K. Graham – một doanh nhân giàu có đi lên từ việc phát minh ra kính mắt không vỡ – đã lập ra Repository for Germinal Choice (tạm dịch là Kho mầm lựa chọn) vào năm 1980. Cơ sở này hoạt động gần 20 năm, chỉ ngưng lại vào năm 1999 – thời điểm 2 năm sau khi ông qua đời. Mục tiêu thì đúng như kịch bản: Graham muốn cải thiện nguồn gene của loài người.
“Nguồn gene càng tốt, cá nhân ra đời sẽ càng vượt trội,” – Graham từng tiết lộ như vậy. “Ngược lại nếu bộ gene càng nghèo nàn, cá nhân sau đó cũng dễ trở nên kém cỏi và vô dụng hơn!”
Với một phát ngôn mang đầy tính chất phân biệt như vậy, “ngân hàng thiên tài” của Graham hiển nhiên trở thành một nơi hút tranh cãi. Thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng của ông thực chất đến từ những gì Phát xít Đức từng làm trong Thế chiến II (cũng tập hợp những cá thể xuất chúng nhất để sinh nở). Về điều này, Graham một mực phủ nhận.
Nhìn chung thì trong vòng 19 năm vận hành, ngân hàng thiên tài ấy hẳn cũng cho ra đời không ít người. Vậy cuộc sống của họ ra sao? Sau đây là một vài sự thật thú vị về dự án, cũng như cuộc đời của thế hệ sở hữu bộ gene tốt nhất ấy.
Giá rẻ bất ngờ
Để sở hữu tinh trùng của một thiên tài trong ngân hàng do Graham sáng lập hóa ra không khó. Phụ nữ khi tham gia vào chương trình này chỉ phải nộp 50 đô phí gia nhập, và đóng thêm 10 USD/ tháng cho chi phí lưu trữ và vận chuyển. Đây là con số được New York Times đưa ra vào năm 1984.
Người mẹ là ai cũng được
Người cho trứng không nhất thiết phải là thiên tài, không cần phải test IQ, không cần phải khám nghiệm gene. Yêu cầu duy nhất chỉ là họ cần kết hôn (dù đã có ngoại lệ dành cho một bà mẹ đơn thân).
Người hiến tặng thu thập từ các trường đại học
Julianna McKillop, người từng làm việc cho ngân hàng từ năm 1980 – 1985 hồi tưởng, bà đã phải liên tục di chuyển tại Bờ Tây, đến những đại học top đầu để tìm kiếm người hiến tặng.
“Tôi sẽ mang nhiều bình chứa nitrogen lỏng, đến các trường đại học như CalTech rồi thuyết phục sinh viên và các giáo sư ở đó” – McKillop chia sẻ. Nếu bất kỳ ai sẵn sàng, cô sẽ đưa cho anh ta một chiếc cốc nhỏ kèm một khoảng thời gian riêng tư. Sau đó, mẫu tinh trùng sẽ được trữ trong bình lạnh, đưa trở về ngân hàng.
“Nó thực sự rất là khó để kiếm người hiến tặng. Kiểu họ hỏi ‘Cô tới đây làm gì?’ Còn tôi thì bảo ‘À thì anh đang có một vật liệu di truyền để người khác sử dụng được và có con từ đó…'”
Toàn bộ người hiến đều là người da trắng
Dù đa số người hiến đều được giữ kín danh tính, Graham từng thừa nhận rằng tất cả đều là người da trắng – theo David Plotz, tác giả của cuốn sách về chính ngân hàng của Graham. Tuy nhiên, Graham một mực phủ nhận chuyện ông là kẻ phân biệt chủng tộc.
“Chúng tôi không nghĩ gì về chủng tộc thượng đẳng hay điều gì tương tự như vậy,” – ông phát biểu vào năm 1980. “Chúng tôi chỉ hướng đến việc sẽ có nhiều hơn những người thông minh, sáng tạo có thể ra đời.”
215 đứa trẻ đã ra đời, số phận của họ ra sao?
Đa số những đứa trẻ ra đời từ “ngân hàng thiên tài” đã lên tiếng trước công chúng, cho biết họ học hành khá ổn tại trường. Nhưng khi trưởng thành, nhiều người có cuộc sống khá bình thường. Như Tom, ông vận hành doanh nghiệp sửa mái nhà. Leandra thì là một nữ ca sĩ Opera, Courtney làm vũ công, trong khi Logan thì mắc chứng tự kỷ.
Một số còn cảm thấy chịu áp lực phải làm được những điều phi thường. “Như thể tôi phải làm gì đó với món quà được ban cho vậy,” – Tom chia sẻ.
Nhưng theo Adrienne – người đã hạ sinh Leandra, Courtney và Logan thì cho biết việc có “gene thiên tài” không đồng nghĩa với một cuộc sống thành công và vui vẻ. “Chỉ có vài thứ có thể kiểm soát về gene thôi. Quan trọng là thứ bạn mang lại cho gia đình mình.”
Người khai sáng khái niệm “ngân hàng tinh trùng”
Dù bị chỉ trích nặng nề và cũng phải ngưng hoạt động sau này, ý tưởng của Graham đã tạo ra tiền đề để các cặp đôi có thêm lựa chọn trong sinh nở. Ngân hàng tinh trùng ngày nay đã trở thành khái niệm phổ biến hơn, do xã hội ngày càng có nhiều cặp đôi cần điều trị vô sinh.
Tại Fairfax Cryobank – một ngân hàng tinh trùng khá lớn, số liệu cho thấy chỉ có 1% những người đăng ký hiến tặng thực sự làm điều đó.
“Sẽ có tiêu chuẩn xét nghiệm rất khắt khe – một điều khá tốt, vì như vậy chúng ta sẽ có những tinh trùng chất lượng trong chương trình,” – Michelle Ottey, giám đốc phòng thí nghiệm cho biết. “Thậm chí vào đại học khối Ivy League còn khó hơn chuyện được tham gia chương trình của Fairfax, xét trên mặt tỉ lệ.”
Nguồn: CNN