Sau nhiều năm làm game thì các công ty lớn sẽ có đầy đủ thông tin để biết trò chơi nào sẽ thành công, trò nào “thất bại”… và từ đó phát triển game bám theo thị hiếu của người chơi.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những hãng game không đi theo xu hướng mà quyết định rẽ lối đi riêng, sẵn sàng phá bỏ sự rập khuôn để mang đến cho anh em những tựa game đỉnh cao đầy sáng tạo. Sau đây là top 10 tựa game trở thành huyền thoại nhờ phá vỡ mọi quy luật.
Gone Home
Gone Home vẫn là một tựa game hay cho đến tận bây giờ. Ngay từ lúc mới vào game thì bạn sẽ được tận mắt chứng kiến bối cảnh cực kỳ rùng rợn: Một căn nhà trống trong đêm mưa giông, các thành viên trong gia đình đều biến mất một cách bí ẩn và một mớ câu đố cần bạn giải mã.
Thoạt đầu mới nghe qua, hẳn anh em đều có chung suy nghĩ: Game kinh dị nào mà chẳng dùng mô-típ này nhỉ?
Tuy nhiên, nhà phát triển Fullbright đã tận dụng yếu tố này nhằm che giấu cốt truyện chính trong game. Gone Home thực chất không phải là game siêu nhiên hay ma thuật gì cả, mà đây là câu chuyện drama gia đình về một cô bé gái đối mặt với giới tính thật của bản thân. Mỗi đường đi nước bước trong game đều ẩn chứa những thông điệp đầy sâu sắc, vượt ngoài mong đợi của người chơi. Đồng thời nó tận dụng những gì mà người chơi đã quá quen thuộc trong những tựa game khác để che mắt bạn.
A Way Out
Josef Fares là một người luôn có tâm lý đi ngược với đám đông, thế nên studio Hazelight của ông cũng tạo ra những game mang màu sắc khác biệt. Trong đó, A Way Out là tựa game đầy tham vọng vì nó quay lại khai thác lối chơi theo kiểu local multiplayer, trong khi nhà nhà đã chuyển sang chơi mạng từ đời nào rồi.
Game multiplayer chơi theo kiểu chia đôi màn hình (split-screen) ngày càng trở nên hiếm hoi, nhưng A Way Out thì vẫn bám theo cơ chế này. Thậm chí, cho dù bạn có nối mạng để chơi với bạn bè ở xa thì game vẫn chia màn hình làm đôi như thường.
Thực tế, nhà phát triển làm vậy là có chủ đích hẳn hoi. Các cơ chế trong game đều xoay quanh style này, chứ không phải làm cho có, mạnh ai người nấy chơi. Và cũng chính nhờ split-screen này mà đoạn cao trào trong game càng trở nên kịch tính, đầy xúc động.
The Last Of Us
Theo lý thuyết thì The Last of Us vẫn giống như những tựa game sinh tồn – kinh dị từng ra mắt trước đó. Nhưng điểm khác biệt khiến game này nổi bật so với phần còn lại chính là nằm ở cốt truyện.
Bạn vẫn sẽ theo chân Joel để hộ tống Ellie đến nơi an toàn. Và trên đường đi thì tất nhiên sẽ đầy rẫy những con zombie gớm ghiếc, nói chung khá là quen thuộc. Tuy nhiên, chính đoạn kết đã khiến rất nhiều game thủ bất ngờ vì chẳng mấy ai lại nghĩ tới kết cục như thế.
Sau hành trình đi tìm phương thuốc giúp thế giới thoát khỏi đại dịch zombie thì cả Ellie lẫn Joel đều vẫn còn sống, chẳng có phương thuốc nào được tạo ra. Và mối quan hệ giữa 2 người này trở nên căng thẳng sau một vụ tàn sát và một lời nói dối. Thậm chí, ban đầu cứ ngỡ Fireflies là phe thiện, nhưng nào ngờ đến cuối game thì chúng ta phát hiện ra họ không hẳn là người tốt cho lắm.
Undertale
Undertale giữ bí mật cho đến tận phút cuối các bạn ạ. Game sẽ cho người chơi vào vai một đứa trẻ bị lạc vào thế giới đầy ma quỷ. Theo lẽ thường tình thì bạn sẽ cần phải chiến đấu chống lại bọn quỷ dữ để tìm đường trở về với thế giới loài người. Song song đó, bạn cũng sẽ có thêm EXP và LOVE sau khi đánh bại kẻ địch. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.
Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua mọi màn đối đầu trong game và lúc nào cũng sẽ có cách giúp bạn giành chiến thắng mà không cần phải hạ gục đối phương. Lý do là vì trong đoạn cuối, bạn sẽ biết được rằng những con quái vật này hoàn toàn vô tội. Nếu ra tay giết chúng chỉ vì nghĩ rằng “có kẻ địch thì cứ giết thôi” thì vào lúc cuối bạn sẽ phát hiện ra LOVE nghĩa là “Level of Violence” (tạm dịch: mức độ bạo lực), còn EXP là “Execution Points” (tạm dịch: điểm kết liễu). Cả 2 gộp lại sẽ cho biết là bạn… tàn bạo đến mức nào.
The Walking Dead
Bây giờ thì The Walking Dead có lẽ không còn quá độc lạ nữa. Nhưng ở thời điểm nó ra mắt thì The Walking Dead đã khiến cộng đồng game thủ sững sờ, khó tin được rằng một tựa game phiêu lưu lại có thể độc đáo đến như vậy.
Trước khi có The Walking Dead thì thể loại này chủ yếu xoay quanh cơ chế khám phá và giải đố. Nhưng đến lượt Telltale thì họ lại không đi theo hướng này, thay vào đó là tập trung vào cốt truyện và cơ chế cho phép người chơi đưa ra lựa chọn.
Trong The Walking Dead, nhân vật, cốt truyện và việc cho người chơi nắm quyền sinh sát chính là những yếu tố thu hút người chơi. Trong thời buổi bây giờ thì nghe có vẻ bình thường, nhưng vào lúc bấy giờ thì đây là một nước đi vô cùng táo bạo các bạn ạ. Bởi không ai biết trước được rằng game thủ có thích thú với những cơ chế mới hay không.
Nguồn What Culture