Thị trường trò chơi điện tử ngày càng được mở rộng hơn. Trong đó, phải kể đến việc thể thao điện tử (esports) đang làm mưa làm gió ở khắp nơi. Trò chơi điện tử không chỉ mang lại sự thư giãn thoải mái cho người chơi, mà nó còn đem về một nguồn thu khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.
Do vậy, càng ngày càng có nhiều công ty nhảy sang lĩnh vực sản xuất trò chơi điện tử. Họ đầu tư rất nhiều tiền bạc và chất xám để tạo ra được nhiều thể loại trò chơi khác nhau nhằm thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Và khi đã có một lượng khách hàng nhất định, các công ty sẽ nghĩ cách để giữ chân các “thượng đế” của mình.
Có nhiều công ty đi theo hướng tập trung nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều trò chơi khác nhau, nhằm mở rộng thị trường hoạt động của công ty. Nhưng lại có một số công ty đi theo hướng kinh doanh khác. Họ cho ra mắt phiên bản mới của những trò chơi đã tạo được hiệu ứng lớn và được nhiều người chơi yêu mến.
Nhưng thông thường, phiên bản cải tiến của những trò chơi nổi tiếng thường không có nhiều sự thay đổi. Lối chơi của các phiên bản này gần như giống hệt nhau. Tuy nhiên những phiên bản mới vẫn luôn được đông đảo người chơi đón nhận. Vậy lý do đằng sau việc các game thủ liên tục muốn “lên đời” phiên bản mới phát hành của trò chơi điện tử họ yêu thích là gì?
1. Sự khác biệt giữa game thủ “truyền thống” và game thủ “không truyền thống”?
Thị trường trò chơi điện tử không chỉ có hướng tới các game thủ “truyền thống”. Những game thủ truyền thống là những người vốn dĩ có sở thích chơi trò chơi điện tử mà không vì lý do đặc biệt nào cả.
Ngược lại, phần lớn lượng người chơi là những người hâm mộ thể thao và cũng thích chơi game. Họ có thể thỏa mãn sở thích của mình thông qua những trò chơi điện tử. Đối với họ, có thể nói trò chơi điện tử có cũng được mà không có thì cũng không quá nghiêm trọng.
Có thể thấy, những người hâm mộ thể thao sẽ có những yêu cầu khác với những game thủ truyền thống. Thường thì các game thủ truyền thống sẽ muốn sự đa dạng hơn trong lối chơi hay cách thể hiện của một trò chơi nào đó. Còn những người chơi không truyền thống thì gần như không cần quá nhiều sự thay đổi.
2. Tiêu chí quan trọng khi sản xuất trò chơi điện tử
Có rất nhiều tiêu chí đặt ra để giữ chân game thủ tiếp tục “cày cuốc” những trò chơi đã được phát hành. Đầu tiên, phải kể đến điều quan trọng nhất, điều mà hầu hết người chơi đều tán thành. Đó là việc các game thủ muốn trò chơi mới có điểm tương đồng với những game họ từng chơi.
Lý do chính là vì họ đã dành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giờ để chơi trò chơi mà họ thật sự yêu thích. Do vậy, họ cảm thấy chẳng có lí do gì khiến họ phải bỏ lại những kinh nghiệm đó đi để chơi một trò chơi mới toanh. Thậm chí, khi chơi một trò chơi mới hoàn toàn, họ sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0. Họ phải làm quen lại từ đầu với mọi thứ, từ nhân vật cho đến cách chơi,…
Tuy nhiên, các nhà phát hành game đương nhiên sẽ không phát hành ra những trò chơi mới giống hệt những trò chơi trước đó. Họ phải thêm vào đó một vài sự thay đổi, nhưng những sự thay đổi này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến lối chơi. Nhìn chung, trò chơi điện tử vẫn phải giữ được những tinh hoa ban đầu. Họ chỉ có thể thêm một vài chi tiết khiến nó thêm phần hấp dẫn, nhưng không mất đi “cái chất” ban đầu của trò chơi.
Lấy ví dụ như FIFA – một trong những tựa game nổi tiếng nhất trên thế giới và được rất nhiều người hâm mộ bóng đá đón nhận. Trò chơi này không chỉ mang đến sự giải trí cho người chơi mà còn mang đến cho người chơi những trải nghiệm thú vị gắn liền với đam mê trái bóng của họ. Trong FIFA, game thủ kì vọng mọi thứ phải giống như ngoài đời thật. Từ việc các cầu thủ chấn thương hay giải nghệ, cho đến các kỳ chuyển nhượng đều phải được cập nhật liên tục. Vì thế, các nhân viên sáng tạo của công ty phát hành game sẽ phải làm việc không ngừng nghỉ để cho ra được những bản cập nhật làm hài lòng các “thượng đế”.
3. Những lợi ích mà các công ty phát hành trò chơi thu được là gì?
Đương nhiên, việc tạo ra những phiên bản mới cũng mang lại lợi ích cho các công ty. Khi họ tạo ra được những phiên bản tốt hơn, các game thủ sẽ muốn mua những phiên bản đó để thay thế phiên bản cũ họ đã sở hữu. Điều này gia tăng doanh thu một cách đáng kể.
Thêm một lý do nữa khiến nhiều game thủ chịu bỏ tiền ra mua những phiên bản mới là do hiệu ứng đám đông. Một khi phiên bản mới được bày bán, sẽ có một lượng lớn người chơi chuyển sang chơi phiên bản mới nhất. Do hai phiên bản không giống hệt nhau, những người chơi phiên bản cũ sẽ không thể chơi cùng những người chơi phiên bản mới. Để có thể tiếp tục chơi cùng bạn bè, họ chỉ có thể nâng cấp trò chơi của mình lên phiên bản cao cấp hơn.
Ngoài ra, chi phí mà các game thủ bỏ ra để mua bản nâng cấp của trò chơi điện tử không quá cao so với giá trị mà trò chơi điện tử mang lại. Họ có thể bỏ ra 60 đô (khoảng 1 triệu 300 nghìn) để mua một trò chơi điện tử mà họ có thể chơi trong cả một năm. Tức là họ có thể thoải mái chơi game để giải trí chỉ với khoảng hơn 100 nghìn một tháng – một con số hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của các game thủ.
Về cơ bản, game thủ mua bản cập nhật game mới hàng năm dù chúng không có quá nhiều điểm khác biệt vì nó phục vụ đúng yêu cầu của thị trường đó. Các game thủ mê thể thao thường chỉ muốn một trò chơi với lối chơi cũ nhưng có những cải tiến nhỏ qua từng năm để làm mới. Ngoài ra, đây còn là một mô hình giải trí khá thú vị với đại đa số game thủ vì có thể theo đuổi đam mê thể thao chỉ với một giá thành vô cùng hợp lý.