Rất nhiều người, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, khi nghe nói đến Kiếm Nhật thường sẽ nghĩ ngay đến cụm từ “Katana” – thanh gươm một lưỡi, mỏng, đẹp, bóng loáng và sắc… hay xuất hiện trên các phương tiện giải trí.
Và nếu như nhìn thấy một thanh kiếm khác với kích thước, hình dáng tuy khác nhau nhưng vẫn mang dáng dấp của “Katana”, chúng ta sẽ miêu tả chúng kiểu: Katana ngắn, Katana dài, Katana bla bla… và điều đó là hoàn toàn không chính xác. Nếu bạn cũng yêu thích văn hóa xứ sở hoa anh đào giống như mình, hãy cùng tìm hiểu về kiếm Nhật và tên gọi của từng loại nhé.
Trước tiên, việc gọi là “Kiếm Nhật” đã là một lỗi nhỏ về mặt cách gọi và ngữ nghĩa. Hán tự 刀 “Đao” được người Nhật dùng để chỉ Katana và các vũ khí tương tự như nó chứ không phải 剑 “Kiếm”. Về cơ bản, đao là vũ khí có sống lưng không bén và lưỡi sắc. Nó không cần thiết phải to và bè ra như các loại đao của Trung Quốc mà ta thường biết. Còn Kiếm là vũ khí 2 lưỡi đều sắc. Tuy nhiên vì đa số mọi người đã quen với cách gọi về vũ khí này là Kiếm Nhật, nên người viết cũng sẽ dùng từ Kiếm luôn để đồng bộ và dễ đọc.
Tiếp theo, Katana thực chất chỉ là một trong số nhiều loại Kiếm Nhật. Tuy nhiên do tính thông dụng của nó trong các tầng lớp Samurai và việc người phương Tây chưa thực sự nắm rõ kiến thức khi lần đầu Nhật mở cửa giao thương và văn hóa, nên người ta đã gọi Katana để chỉ chung cho kiếm Nhật.
Cấu tạo một thanh kiếm Nhật tiêu chuẩn:
Các bộ phận tiêu biểu bao gồm:
– Saya: Bao kiếm.
– Tsuka: Chuôi kiếm, là chỗ cầm kiếm, có quấn vải (thứ tạo nên các hình thoi đặc trưng của Katana).
– Tsuba: Kiếm cách, ngăn cách giữa cán kiếm và thân kiếm.
– Ha: Lưỡi kiếm, cạnh sắc của kiếm Mune: Sống kiếm, cạnh cùn của kiếm.
– Mune: Sống kiếm, cạnh cùn của kiếm.
– Menuki: Một vật trang trí, cầu may được ở chuôi kiếm (bên dưới lớp vải) và chỉ để lộ họa tiết qua các lỗ hình thoi (có thể có hoặc không).
– Habaki: Phần tấm thép nhỏ ngăn cách phần chuôi với phần thân.
– Monouchi: Phần sắc nhọn nhất của thanh kiếm.
– Hamon: Vân kiếm, nằm trên lưỡi sắc của kiếm, xuất hiện do kỹ nghệ rèn kiếm thời đó.
Phân loại kiếm Nhật
Tanto: Là thanh kiếm ngắn có rất nhiều kích thước từ 15 – 55cm. Tanto có thể được rèn theo cặp hoặc đơn chiếc nhưng mục đích chính không phải để chém mà dùng để đâm. Xuyên suốt bề dày lịch sử của Nhật bản, thanh Tanto được dùng chủ yếu thực hiện nghi lễ Seppuku (Tự mổ bụng để giữ danh dự).
Wakizashi: là một thanh kiếm tầm trung có chiều dài tiêu chuẩn là 77cm (gần 8 tấc) và ngắn hơn Katana một chút. Một số loại dài hơn hoặc gần bằng thanh Katana thì được gọi là O-wakizashi, còn một số thanh ngắn hơn kích cỡ tiêu chuẩn thì được gọi là Ko-Wakizashi. Đây là thanh kiếm mà nhiều võ sĩ mang theo mình cùng với Katana. Mục đích là để đỡ hoặc hỗ trợ chiến đấu cùng với Katana dưới dạng song kiếm.
2 cây kiếm ở trên được xem là phổ biến nhất cùng với Katana. Một bộ kiếm (Dashio) trưng bày hoặc thờ phụng tiêu chuẩn luôn bao gồm Tanto, Wakizashi và Katana. Hoặc bộ song kiếm thường thấy nếu không phải là Samurai bao gồm Wakizashi và Katana.
Odachi: Một thanh đao ngoại cỡ, dài 1m7 đến 1m8, gần như không bao giờ được sử dụng trong chiến đấu ngoại trừ “cây hàng” của Juggernaut. Chúng chủ yếu được tạo ra để phục vụ các nghi lễ thờ cúng, vì vậy các thanh Odachi rất ít được làm ra và ngày càng trở nên giá trị. Việc sở hữu một thanh Odachi sẽ thể hiện độ giàu có của gia chủ.
Tachi: Là một loại kiếm được cho là tiền thân của Katana. Về kết cấu thì Tachi và Katana khá giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất là việc Tachi sẽ nặng và dài hơn Katana. Khi đeo Tachi, phần lưỡi cắt sẽ được quay hướng xuống, ngược với cách đeo của Katana. Thêm một điểm phân biệt nữa là Tachi có 2 tai đeo giống như tay xách được gắn trên bao kiếm, gọi là Ashi.
Gunto: Là một thanh kiếm được phát triển sau khi thời đại Samurai kết thúc năm 1868, dành riêng cho quân đội và cảnh binh. Về kết cấu nó tương tự như Katana, nhưng sẽ không được rèn bằng thép Ngọc Cương (Tamahagane) truyền thống mà được sản xuất đại trà bằng thép công nghiệp. Bởi vậy chúng sẽ không có được độ bóng, bén và bền như các cây kiếm tiêu chuẩn. Tùy vào cấp bậc mà dây đục lỗ trên chuôi kiếm có màu khác nhau. Để phân biệt có thể thấy rõ nhất là phần vỏ kiếm (Saya) có thêm 1 hoặc 2 khuy tròn và phần chuôi kiếm (Tsuka) có thêm một khuyên tròn nhỏ.
Shirasaya: Shirasaya thực chất là tên gọi của phần vỏ và chuôi, thường sẽ được làm bằng gỗ Nurizaya màu trắng. Mục đích sử dụng của Shirasaya là để cất giữ lưỡi kiếm không bị rỉ sét hoặc sứt mẻ trong thời gian dài không sử dụng. Chính vì vậy các chi tiết như Tsuba, Ito… đều được lược bỏ hết. Nhưng ngày nay vì tính thẩm mỹ nên Shirasaya được hiểu là một thanh kiếm dạng cong như Katana nhưng không có Tsuba (miếng hình tròn ngăn cách giữa lưỡi và cán). Phần cán cũng không quấn Ito (là phần dây quấn cán) mà để trần như cán của mấy con dao làm bếp.
Nagamaki: có nghĩa là “quấn dài”, dùng để chỉ những thành kiếm với chuôi kiếm (tsuka) rất dài. Nagamaki có cách cầm giống với Katana và tay phải luôn luôn đặt sát với kiếm cách (miếng phân cách giữa thân kiếm và chuôi kiếm).
Theo lịch sử, Nagamaki rất hiệu quả khi đánh với kỵ binh vì nó dễ dàng làm họ ngã ngựa. Nagamaki cũng được coi là vũ khí ưa thích của Oda Nobunaga.
Katana: Loại phổ biến nhất, nên mình sẽ để ở cuối cùng. Dài và hơi cong, rất bén, được các võ sĩ đeo ở thắt lưng. Thông thường các võ sĩ sẽ đeo cùng với một thanh ngắn hơn có thể là Wakizashi hoặc Tanto.
Có thể bạn chưa biết: Ninja không sử dụng Katana, mà sử dụng kiếm… Ninja (Ninjato). Nó cũng chỉ có một lưỡi, nhưng sẽ thẳng chứ không cong, và thường được đeo sau lưng. Phiên bản biến thể của Ninjato mà các bạn được thấy gần nhất trên màn ảnh chính là… kiếm của Sasuke đấy.
Ở trên là những thông tin về cấu tạo và phân loại kiếm Nhật. Ngoài ra còn rất nhiều các kiểu kiếm và tên gọi khác nữa nhưng trong bài viết mình sẽ chỉ nêu ra những loại chính thường gặp nhất. Ngày nay, các loại kiếm Nhật được sử dụng như một công cụ để trang trí hơn là vũ khí, nhưng vẫn chứng tỏ được sự ưu việt về giá trị nghệ thuật lẫn lịch sử của những binh khí này.
Theo Gearvn