Trong những năm gần đây thì hầu hết những tựa game thế giới mở đều mang đến những điều mới lạ và độc đáo cho game thủ thỏa sức đắm chìm. Trong số đó là “những viên ngọc sáng” với cơ chế gameplay độc nhất vô nhị, giúp nó nổi bật giữa một rừng game cùng thể loại.
Đồng ý rằng cơ chế trong game không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến sự thành công của một trò chơi, nhưng nó giúp gamer cảm thấy vui mừng và thỏa mãn, vì lâu lâu mới bắt gặp được những thứ hay ho. Sau đây là top 10 tựa game phép bạn khám phá thế giới mở theo những cách siêu độc đáo.
LA Noire
Tựa game này lấy bối cảnh tại thành phố Los Angeles vào những năm 1940. Mặc dù được phát hành bởi Rockstar, đây không phải là GTA các bạn ạ. Dù không có những màn lái xe dạo phố, kiếm chuyện ẩu đả với người khác… như GTA nhưng LA Noire vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó thông qua những khung cảnh đầy chân thực. Chính điều này lại càng giúp cho cốt truyện và những sự kiện trong game trở nên ấn tượng hơn đối với game thủ.
Khi những mối nguy hiểm xuất hiện trong thành phố, bạn sẽ là người đích thân đi giải quyết nó. Đặc biệt, hệ thống chất vấn trong game cũng là một con át chủ bài của nhà phát triển. Vì bạn vào vai cảnh sát viên điều tra các vụ án nên sẽ thường xuyên sử dụng cơ chế này. Tuy đồ họa lúc đó không được chi tiết cho lắm, nhưng những biểu cảm trên khuôn mặt của nghi phạm đều được khắc họa rất rõ nét, cho phép bạn “đọc” những suy nghĩ của họ y như ngoài đời thực.
Red Faction: Guerrilla
Đây là tựa game thế giới mở thuộc series Red Faction với điểm “ăn tiền” nằm ở chỗ cho phép bạn phá hoại môi trường theo cách mình muốn. Guerrilla cũng có nhấn nhá vào cốt truyện và nhân vật, nhưng rõ nhất là ở cơ chế phá hủy mọi thứ xung quanh với cây búa tạ khổng lồ mà bạn đang cầm trên tay.
Với bối cảnh trên sao Hỏa, gần như mọi thứ mà bạn nhìn thấy đều có thể bị đập nát. Thậm chí game còn khuyến khích bạn thử nghiệm càng nhiều thứ càng tốt là đằng khác. Phát hiện kẻ địch đang ở ngay trên đầu? Cứ quăng mấy trái mìn vào những thanh dầm rồi bấm nút, phần còn lại bạn chỉ việc ngồi ngắm mọi thứ đổ sụp thôi. Cần chạy lên sân thượng? Bạn có thể leo thang, hoặc là lái xe bay thẳng vào tầng giữa rồi đi bộ lên tiếp cho đỡ mệt cũng được.
Middle-Earth: Shadow Of War
Tuy bị game thủ phê phán rất nhiều nhưng phải thừa nhận một điều là Shadow of War hoàn thiện hơn Shadow of Mordor (phiên bản tiền nhiệm) ở nhiều chỗ, nhất là cơ chế Nemesis cốt lõi đã được cải thiện rất nhiều.
Với cơ chế này, khi bạn giết một số con quái vật “orc” nhất định thì chúng có khả năng tái sinh trong những trận đánh tiếp theo với danh phận hẳn hoi, và chúng sẽ quyết tâm trả mối thù ở “kiếp trước” cho bằng được. Cơ chế này sẽ có yếu tố ngẫu nhiên trong đó, nhưng nó hay ở chỗ làm cho phép bạn “gây thù chuốc oán” với kẻ địch và chờ tên đó hồi sinh để… solo tiếp. Nhờ vậy, gameplay của mỗi game thủ sẽ khác nhau, không ai có kẻ thù giống ai cả.
Nier: Automata
Nier: Automata là tựa game hành động thế giới mở đến từ bàn tay của nhà sáng tạo Yoko Taro tài ba. Đây không phải là một game thế giới mở bình thường, bởi vì nếu bạn muốn biết được câu chuyện chính xác nhất thì phải “phá đảo” trò này 3 lần, vì mỗi lần sẽ xuất hiện thêm một nhân vật mới với gameplay khác nhau.
Từ yếu tố combat cận chiến được hoàn thiện bởi studio đã từng tạo ra trò Bayonetta đình đám cho đến các phân đoạn bắn súng 2D “bullet-hell” đạn bay loạn xà ngầu, Nier: Automata sẽ dung hợp và bắt bạn phải vượt qua tất cả nếu muốn thấy kết cục tốt đẹp. Ngoài ra, game còn có một số điều khá lạ lùng và đầy bất ngờ. Chẳng hạn như game này còn cho phép bạn đi… câu cá, và nếu ăn phải con cá không dành cho người máy thì bạn sẽ “đi bán muối” luôn nhé. Hoặc một cơ chế khác là đến màn hình credit, bạn vẫn có thể tiếp tục bắn súng và đến khúc cuối, bạn sẽ có lựa chọn hy sinh save game để giúp đỡ những người chơi khác qua màn.
Dying Light
Có một sự thật ngộ nghĩnh đó là Dying Light – một tựa game thế giới mở lấy chủ đề tận thế zombie, ra mắt vào lúc game thủ bị bão hòa về các thể loại game zombie và game thế giới mở nên đã nhận lại nhiều lời chê bai. Tuy nhiên, cho tới ngày hôm nay (nhiều năm sau sự ra mắt đó), chúng ta lại ngồi đây và dành hết lời khen ngợi cho tựa game này.
Nếu các bạn hỏi tại sao thì câu trả lời nằm ở cơ chế parkour mà tựa game này tạo ra. Trong Dying Light, bạn không phải lúc nào cũng đấm tay đấm chân để đối đầu với các loại zombie nguy hiểm. Nếu bạn cảm thấy không có hứng, bạn hoàn toàn có thể bay nhảy tự do trong thế giới mở rộng lớn này bằng cách phi thân trên các mái nhà, đặc biệt khi các chủng loại zombie đặc biệt xuất hiện.
Dying Light mang lại cho người chơi một cảm giác vận động một cách sảng khoái khi có khả năng leo trèo và parkour thoải mái, đặc biệt là game còn sử dụng góc nhìn thứ nhất để game thủ có thể có trải nghiệm như đang bay nhảy ngoài đời thật.