Mới đây, kênh YouTube sở hữu hơn 155 triệu lượt người xem của Trần Văn Duy, quê Thái Bình bị phê phán, chỉ trích trên Thời sự VTV vì quảng bá ẩm thực Việt méo mó.
Thường xuyên “chơi chữ”, dùng tục ngữ, ca dao trong những video review ẩm thực của mình, YouTuber Trần Văn Duy – chủ nhân kênh Hà Nội Phố tự nhận mình là một người rất yêu và hiểu thủ đô. Tuy nhiên, kiến thức văn học của YouTuber này lại khiến người xem cảm thấy… í ẹ vì những lỗi sai đến học sinh lớp 1 cũng không mắc.
1. Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ “bánh đúc” dầm tương?
Trong một lần thưởng thức món bánh đúc nộm, YouTuber Trần Văn Duy đã “thốt” ra thơ để chia sẻ về cảm xúc của mình:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ bánh đúc dầm tương”.
Tuy nhiên, có lẽ do hương vị món bánh đúc nộm đã khiến vị YouTuber này bất chợt quên mất bản gốc chăng? Đúng là người Việt mình có ăn bánh đúc chấm với tương nhưng bản gốc của hai câu thơ đâu phải là “nhớ bánh đúc dầm tương”?
Hai câu thơ chính xác phải là:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.”
Không ít người lầm tưởng hai câu thơ trên là ca dao. Thực tế, hai câu thơ trên thuộc bài thơ “Anh đi anh nhớ quê nhà” – một sáng tác của nhà nho, một nhà thơ đầu thế kỉ XX – Á Nam Trần Tuấn Khải. Cả bài chỉ vỏn vẹn bốn câu:
“Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”
Có hai cách hiểu về những câu thơ trên. Cách hiểu thứ nhất nhấn mạnh vào nỗi nhớ quê nhà của người xa quê và coi chủ đề chính của bài thơ là tình cản gắn bó sâu nặng với quê hương. Cách hiểu thứ hai nhấn mạnh vào nỗi nhớ ai của người sắp ra đi và chủ đề chính của bài thơ là lời bày tỏ tình yêu đôi lứa.
2. “Gà đồng” trong “mèo mả gà đồng” là thịt ếch?
Một lần khác, khi thưởng thức món thịt ếch, YouTuber Trần Văn Duy “vui miệng” nhắc tới câu thành ngữ “mèo mả gà đồng” và giải thích với người bạn cùng ăn về cụm từ. Theo chủ nhân kênh Hà Nội Phố, “gà đồng” chính là ẩn ý của thịt ếch. Thực lòng mà nói, không biết vị YouTuber này đọc ý nghĩa câu “mèo mả gà đồng” ở đâu…
Có hai cách hiểu về câu thành ngữ “mèo mả gà đồng”. Cách hiểu thông dụng nhất ám chỉ người lăng nhăng, sống buông thả trong quan hệ nam nữ vì “mèo mả” và “gà đồng” là mèo hoang và gà hoang; sử dụng chuyện mèo – gà ám chỉ chuyện trăng hoa, yêu đương không nằm trong lễ giáo gia đình. Cách hiểu thứ hai chỉ loại người vô lại, không có chỗ ở, lang thanh như mèo ở bãi tha ma hay gà ở đồng.
Tuyệt nhiên trong ý nghĩa câu thành ngữ này không liên quan gì tới món thịt ếch!
3. “Trai tứ chiếng, gái giang hồ” chỉ sự khinh miệt người lao động?
Lại một lần khác nữa, trong một lần đi bát phố, chủ nhân kênh Hà Nội Phố tiếp tục nhắc đến một câu tục ngữ “Trai tứ chiếng, gái giang hồ”. Theo ý của vị YouTuber hay-chơi-chữ này, câu tục ngữ trên có ý nghĩa chỉ sự khinh miệt người lao động ở tứ phương. Quả thực, cách giải thích này vô cùng nguy hiểm và khiến nhiều người có cách hiểu sai lệch.
“Tứ chiếng” là cách đọc chệch “tứ chính”. Nói về “tứ chính”, đó là tên gọi tắt của “tứ chính trấn” – hay còn được gọi khác là kinh trấn. Chung quanh kinh đô Thăng Long, đầu não của nước Đại Việt, có bốn vùng nên được gọi là bốn kinh trấn hay tứ chính trấn, bao gồm: chiếng Sơn Nam, chiếng Kinh Bắc, chiếng Sơn Tây, chiếng Hải Dương.
Dân tứ chính (hay tứ chiếng) được coi là có trình độ phát triển cao hơn dân ở các nơi khác. Khẩu ngữ “trai tứ chiếng” xưa kia có nghĩa gốc là những người tài giỏi từ bốn kinh trấn xung quanh kinh đô Thăng Long, sau này được hiểu theo nghĩa rộng hơn là trai đã từng trải qua bốn phương trời hoặc trai từ bốn phương tụ hội.
Chữ “giang hồ” có gốc Hán-Việt được học giả Đào Duy Anh giảng trong “Hán Việt từ điển giản yếu” như sau:
“Tam-giang và Ngũ-hồ là chỗ ẩn dật
Không có chỗ định trú
Hư phù không tin được.”
Như vậy, từ giang hồ trước kia dùng để chỉ cuộc sống phóng túng rày đây mai đó, không ở yên một chỗ. Tuy nhiên, với phong kiến Á đông xưa kia thì “giang hồ” với nghĩa trên chỉ được chấp nhận nơi nam nhi, chứ không chấp nhận nơi nữ lưu. Đối với người nam thì “giang hồ quen thói vẫy vùng”, nhưng đối với nữ nhi khuê các, thì “tiếc thay lưu lạc giang hồ”.
4. Ngày 3/3 âm là Tết phồn thực?
Trong một video làm bánh trôi, sau khi được “nhắc bài” nhưng YouTuber Trần Văn Duy vẫn chưa kịp nhớ tên chính xác của ngày 3/3 âm. Vì vậy, YouTuber này giới thiệu đây là Tết phồn thực. Nói trắng ra, một đứa trẻ lớp 1 cũng đã sớm được dạy về tên của ngày lễ truyền thống này.
Theo nghĩa chữ Hán, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, nhiều gia đình bận rộn chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Còn “phồn thực” là một nét văn hóa đặc trưng của không những người Việt Nam mà còn rất nhiều nước trên thế giới. Phồn thực hay còn là tín ngưỡng phồn thực, văn hóa phồn thực, thật ra là một văn hóa tôn thờ hành vi giao phối và bộ phận sinh dục.