Bát Kỳ Đại Xà Orochi vốn là ác xà nổi tiếng bậc nhất trong thế giới thần thoại. Với tám cái đầu mang đầy oán khí, Orochi đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều game, tác phẩm manga-anime. Tuy nhiên, nếu so sánh mức độ nguy hiểm thì có lẽ Orochi không thể theo kịp các ác xà dưới đây.
1. Azhi Dahaka – Ác xà thống trị thế giới trong thần thoại Ba Tư
Azhi Dahaka là ác thần trong thần thoại Ba Tư cổ. Có rất nhiều câu chuyện khác nhau kể về Azhi Dahaka, một trong số các câu chuyện phổ biến nhất kể câu chuyện như sau:
Jamshid là vị vua đầu tiên cai trị Iran cổ đại, một trong bốn hoàng đế vĩ đại nhất đem lại thời kỳ hoàng kim cho loài người. Ở thời đại của Jamshid, con người không già không chết, không nóng không lạnh… sự phồn thịnh kéo dài cho đến khi Jamshid nói dối. Khvarnah (Vinh quang hoàng triều) của Jamshid sẽ mất đi, chìm vào biển vũ trụ.
Một trăm năm sau đó, Azhi Dahaka hay Dahag sẽ nắm quyền cai trị. Triều đại của Azhi Dahaka kéo dài trong một nghìn năm, mở ra thời kỷ hạn hán, đổ nát và hỗn loạn.
Sau đó, người anh hùng Θraētaona hay Thraitauna/Freddon (Con người thứ ba) chấm dứt triều đại của Azhi Dahaka. Chàng không chỉ đánh bại ác xà, cứu được hai người phụ nữ đẹp nhất thế gian là Arənavāci và Savaŋhavāci, mà còn được ban tặng Khvarnah (Vinh quang hoàng triều) trọn đời. Θraētaona dùng chùy hạ gục Azhi Dahaka. Tuy nhiên, từ vết thương của xà thần, có vô số sâu bọ, côn trùng nổi lên. Vì thế Θraētaona không thể kết liễu Azhi Dahaka, thần Ormazd ngăn cản chàng làm vậy. Thay vào đó, Azhi Dahaka bị xích và giam cầm trên núi thần Damayand.
Vào ngày tận thế, Azhi Dahaka sẽ phá xích và tàn phá thế giới, ăn hết một phần ba số người và gia súc. Cuối cùng, Azhi Dahaka sẽ bị Kirsasp – người anh hùng thời cổ từng giết con rồng hung dữ Azi Sruvana.
2. Typhon – Ác xà đánh bại thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp
Typhon là con trai của Gaia với thần vực thẳm vô tận Tartarus. Typhon được miêu tả là một tên khổng lồ to lớn với hàng trăm cái đầu rắn khác nhau. Hai tay của Typhon to lớn đến mức ôm được cả thế giới, đầu ngóc lên chạm trời, mỗi bước đi làm mặt đất rung chuyển. Sau lưng Typhon có một đôi cánh đen che lấp cả bầu trời, cái đầu rồng thở ra lửa và đầu rắn kêu đủ mọi tiếng của muôn loài.
Có rất nhiều phiên bản kể lại cuộc chiến giữa Typhon với các vị thần Olympus, dù kết cục chung đều là Typhon bị thần Zeus đánh bại. Phiên bản gay cấn nhất trong số này, do Aphollodorus kể như sau:
Typhon tự tin trèo lên đỉnh Olympus để gây chiến. Trăm cánh tay của hắn ném đá các vị thần tới tấp, miệng thì rít lên, phun lửa nóng thiêu đốt khắp nơi. Các vị thần buộc phải bỏ chạy đến Ai Cập trong lốt các con vật, chỉ có Zeus ở lại đấu tay đôi với Typhon. Thần tấn công quái vật bằng những tia sét, xong khi giáp lá cà ở núi Kasios, Syria, Typhon lại giành được ưu thế. Hắn dùng liềm cắt đứt gân tay và gân chân của Zeus.
Sau khi biến Zeus thành người tàn tật, Typhon đưa Zeus đến hang động Corycian ở Cilicia, giao cho xà nữ Delphyne canh giữ. Typhon giấu những sợi gân bị cắt trong một tấm da gấu. Tuy nhiên, thần Hermes và Aegipan (có thể là một tên gọi khác của Pan) lại lấy trộm gân để trả lại cho Zeus. Được nối gân cũng như bình phục trở lại, Zeus tức tốc đuổi theo Typhone đến núi Nysa, nơi các nữ thần Moirai đã lừa Typhon ăn “quả phù du” khiến cho hắn suy yếu. Typhon bỏ chạy về Thrace, hắn bê quả núi nên tấn công Zeus nhưng lại trúng những tia sét vào lưng. Ngọn núi nơi Typhon đứng trở nên đẫm máu, nó được gọi là núi Haemus. Cuối cùng, Typhon bị Zeus dùng núi Etna chôn vùi ở Sicily.
3. Vritra – Ác xà đánh bại các vị thần trong thần thoại Ấn Độ
Vritra là một asura. Tuy nhiên, Vritra lại thường được miêu tả có hình dáng rồng/rắn. Rig Veda kể rằng Vritra đã chặn hết nước ở sông ngòi lại, cho đến khi Indra được sinh ra. Thần Indra vừa chào đời đã đến nhà thần Tvashtri để uống Soma, lấy thêm sức mạnh cho cuộc chiến. Thần Tvashtri đã tạo ra vũ khí tầm sét Vajrayudha cho Indra.
Vritra trở thành nguồn cảm hứng cho nhân vật cùng tên trong game FGO
Ban đầu, Indra phá nát chín mươi chín pháo đài của asura. Sau đó, khi giao chiến với nhau, Vritra đánh vỡ hai hàm của Indra trong cuộc chiến. Tuy nhiên, thần Indra đã ném được Vritra xuống dưới, đè lên các mảnh vỡ của pháo đài. Nhờ chiến công này mà Indra được gọi Vrtrahan (người diệt Vritra).