Ma chay vốn là việc khá buồn. Vì vậy mà đa số các nền văn hóa đều có phong tục đưa tiễn người quá cố mang hơi hướm u sầu và có phần dè dặt về mặt tâm linh. Tuy nhiên, cũng có một số quốc giá, nền văn hóa trên thế giới lại chọn cách rất khác biệt để tưởng nhớ người đã khuất. Đôi khi, những phong tục khác biệt này kỳ quặc đến mức có thể khiến cho người ta phải kinh ngạc.
1. Tang lễ vui như ngày hội
Phong tục ma chay của tộc người Toraja, phía nam Indonesia, đi ngược lại mọi tưởng tượng về nghi lễ tưởng nhớ người đã khuất. Tang lễ của tộc người này là sự pha trộn giữa nỗi đau và niềm vui. Vì vậy mà người ta đã biến dịp này thành lễ hội đích thực. Tục ma chay đưa tiễn người chết của tộc Toraja kéo dài hàng tuần lễ, thường khoảng 11 ngày.
Trong suốt thời gian này, gia quyến phải tổ chức những bữa tiệc linh đình để mời người dân và khách du lịch tới tham gia. Họ có quan niệm rằng đám tang càng hoánh tráng, càng to thì càng tốt cho người quá cố. Xuyên suốt đám tang, người ta sẽ mở tiệc, mở hội chọi trâu, reo hò, cổ vũ, rồi làm thịt trâu để chiêu đãi. “Lễ hội” này chỉ kết thúc khi thi hài người chết được đem đi chôn cất.
2. Quan tài siêu độc đáo
Điểm đặc biệt trong đám tang ở Teshie (Ghana) lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi chiếm ngưỡng. Quan tài ở đây được thiết kế với mọi hình thù, dáng vẻ và màu sắc kì lạ. Hơn thế nữa, mỗi mẫu quan tài đều đảm bảo tiêu chí độc-lạ, tức là không ai giống ai.
Người Ghana quan niệm rằng người chết đi sẽ vẫn sống một cuộc sống khác, tốt đẹp, thoải mái hơn. Vì vậy, họ chế ra những chiếc “quan tài tưởng tượng” để gửi gắm ước nguyện về cuộc sống tốt đẹp cho người thân. Thông thường, quan tài thường lấy hình các vật dụng thân thuộc trong công việc của người đã khuất. Nếu là nhiếp ảnh thì quan tài sẽ có hình máy ảnh, ca sĩ thì quan tài sẽ có hình đàn guitar…
3. Tang lễ với vũ nữ thoát y
Đa số mọi người đều cho rằng tang lễ là nơi trang trọng, không khí linh thiêng và hiếm khi có sự xuất hiện của các vũ công. Tuy nhiên, ở một số khu vực tại Đài Loan thì lại khác. Tang lễ ở đây chẳng những có vũ công góp mặt mà còn là các nữ vũ công thoát y nữa.
Lý do cho phong tục lạ lùng này là vì quan niệm rằng uy tín và danh dự của người đã khuất sẽ được thể hiện qua số lượng người tham gia tang lễ. Đám càng đông vui thì xem như gia chủ càng hãnh diện. Do vậy, nhiều người thường mời các vũ công thoát y đến biểu diễn để thu hút sự chú ý cho tang lễ của người thân.
Ngoài những phong tục kỳ lạ phía trên, trong lịch sử còn ghi nhận mốt chụp ảnh với người quá cố. Trào lưu này rất thịnh hành vào thời Victoria tại Anh. Theo đó, những gia đình giàu có sẽ trang điểm cho người đã khuất thật đẹp rồi chụp ảnh lại hoặc đôi khi là chụp chung với họ một vài kiểu ảnh.