Sa mạc Sahara chính là vùng đất lớn và nhận nhiều ánh sáng mặt trời nhất trên Trái Đất. Nó có diện tích xấp xỉ Trung Quốc, ở gần xích đạo, gần như không có mây quanh năm. Đặc biệt, vùng trung tâm rộng lớn của nó có thể nhận đến hơn 4000 giờ nắng mỗi năm. Nếu có một nơi nào đó gọi là là lý tưởng nhất để xây dựng nhà máy điện mặt trời thì nó phải nằm đâu đó trong sa mạc Sahara.
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, nếu trải toàn bộ diện tích sa mạc Sahara bằng các tấm pin mặt trời thì chúng ta sẽ có bao nhiêu năng lượng và nó sẽ thay đổi Trái Đất như thế nào chưa? Nếu có thì đây sẽ là câu trả lời, còn nếu chưa thì bạn đọc thêm cho biết nhé.
Phủ kín Sahara đã có người nghĩ đến, nhưng sẽ rất khó khăn, mất nhiều năm và tốn rất, rất nhiều tiền
Dự án Desertec được thành lập từ năm 2003 nhằm xây dựng hàng loạt các nhà máy điện mặt trời khắp vùng chu vi sa mạc Sahara và Trung Đông để cung cấp điện cho phần lớn Châu Phi và xuất khẩu điện dư thừa sang Châu Âu. Và nó có thể đáp ứng đến 15% nhu cầu về điện cho toàn Châu Âu. Nhưng tại sao chỉ là khu vực xung quanh trong khi vùng trung tâm mới là nơi giàu năng lượng mặt trời nhất? Các nhà nghiên cứu của Desertec đã bỏ ra nhiều năm theo đuổi dự án và họ có lý do để làm vậy.
Rộng lớn là vậy nhưng vì quá cằn cỗi nên dĩ nhiên là sa mạc Sahara không được nhiều người chọn làm nơi sinh sống. Trong tổng diện tích xấp xỉ Trung Quốc của nó, chỉ có khoảng 2,5 triệu người mà thôi. Mật độ dân cư thưa thớt của Sahara vừa có lợi mà cũng vừa có hại. Nó lợi ở chỗ chúng ta có thể quy hoạch, xây dựng thoải mái mà không nhiều người phải di chuyển chỗ ở. Nhưng hại ở chỗ cơ sở hạ tầng giao thông rất kém phát triển. Hiện nay chỉ có một con đường duy nhất cắt ngang qua Sahara từ Bắc chí Nam mà thôi. Phần lớn lãnh thổ rộng lớn của vùng sa mạc này thậm chí còn chẳng có một con đường nào cắt ngang qua.
Điều này có nghĩa là để phủ kín được sa mạc Sahara thì chúng ta phải xây dựng hệ thống giao thông đường sá chằng chịt để để có thể vận chuyển hàng tỉ tấm pin năng lượng mặt trời đến nơi chúng cần đến cũng như kết nối các trạm điện với nhau. Sẽ cần phải có vô số đường cao tốc và đường sắt để làm được việc đó đấy.
Đây cũng là lý do khiến cho các nhà nghiên cứu của dự án Desertec quyết định chỉ xây dựng các nhà máy điện mặt trời xung quanh sa mạc mà thôi. Việc tiến sâu vào khai thác năng lượng mặt trời từ vùng trung tâm đầy nắng, gió và cát ngay lúc này thực sự không mấy khả thi. Bản thân dự án Desertec còn chưa được hoàn thành nữa mà. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả đâu, chỉ riêng chi phí cho mấy tấm pin năng lượng mặt trời đã là vấn đề lớn rồi.
Một tấm pin năng lượng mặt trời dân dụng 350W có giá tầm 200 đến 450 USD. Chi phí để vận chuyển nó đến một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất sẽ tốn thêm khoảng 300 USD, chi phí để người ta tới đó và lắp đặt là sẽ thêm khoảng 200 USD nữa. Thế thì tính ra mỗi tấm pin năng lượng mặt trời như vậy ở Sahara sẽ tiêu tốn khoảng 1000 USD.
Để lấp đầy diện tích tương đương phần lãnh thổ đất liền của Việt Nam trong sa mạc Sahara, chúng ta sẽ cần 51,4 tỉ tấm pin mặt trời như thế, với tổng trị giá lên đến 51,4 nghìn tỷ USD. Đây là số tiền khủng khiếp tương đương với 60% GDP của thế giới, nhưng bù lại là chỗ pin năng lượng mặt trời này sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cả thế giới dùng. Và thế là nhân loại có thể bỏ năng lượng hóa thạch và chuyển toàn sang năng lượng tái tạo thân thiện môi trường luôn. Cái đó là chỉ với diện tích phần lãnh thổ đất liền của Việt Nam thôi nhé.
Phủ pin mặt trời kín Sahara, chúng ta sẽ có đủ năng lượng cho 7 Trái Đất
Giả sử tiền là vô hạn và chúng ta thực sự có thể trải pin mặt trời hết sa mạc Sahara luôn đi, lượng điện sinh ra sẽ sẽ tương đương 1,3 triệu Terawatt giờ mỗi năm. Bao nhiêu đó điện là gấp 7 lần lượng điện mà nhân loại người sử dụng trong năm 2019. Không chỉ riêng điện đâu mà là tất cả mọi thứ năng lượng mà chúng ta sử dụng luôn đấy. Đây sẽ là cuộc cách mạng bước ngoặt trong lịch sử nhân loại, và tiến gần hơn đến mức nền văn minh loại I trong thang Kardashev
Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt, năng lượng mặt trời nếu triển khai với quy mô lớn như thế cũng không hẳn là thân thiện môi trường đâu. Và mẹ thiên nhiên sẽ bắt chúng ta phải trả giá cho việc đó.
Năng lượng thì dồi dào đấy, nhưng nó có thể tạo ra những siêu thảm họa
Bề mặt màu đen của những tấm pin mặt trời dĩ nhiên là sẽ hấp thu đáng kể ánh sáng mặt trời chiếu xuống toàn sa mạc Sahara chứ không phản chiếu nó vào không gian như cát được. Chỉ một phần nhỏ trong số đó chuyển hóa thành điện trong khi phần lớn quang năng sẽ chuyển hóa thành nhiệt năng và lan tỏa ra môi trường. Mớ nhiệt lượng khổng lồ tỏa ra từ các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa đất liền và các đại dương xung quanh. Cuối cùng là áp suất không khí bề mặt sẽ giảm, độ ẩm tăng lên và gây mưa trên khắp sa mạc.
Việc này nghe có vẻ tích cực đấy chứ nhỉ? Nó sẽ tạo ra một Sahara xanh tốt rộng như Trung Quốc và mang đến sự phồn thịnh cho khu vực Bắc Phi. Tuy nhiên lại mang đến viễn cảnh tồi tệ cho lá phổi xanh của trái đất.
Rừng nhiệt đới Amazon được “bón phân” nhờ lượng bụi màu mỡ bay từ sa mạc Sahara phía bên kia Đại Tây Dương. Việc Sahara trở nên màu mỡ xanh tốt nghĩa là sẽ không còn bụi bay nữa, khiến cho hệ sinh thái của Amazon bị phá hủy cũng như kích hoạt các sự kiện không thể lường trước được. Thậm chí việc này có dẫn đến những thảm họa khí hậu với quy mô mà nhân loại chưa từng thấy.
Tóm lại, việc trải pin mặt trời trên toàn diện tích sa mạc Sahara nghe thì rất hoành tráng và thú vị nhưng nó không khả thi, khá nguy hiểm và thậm chí là không cần thiết luôn. Chỉ cần trải pin mặt trời tương đương diện tích Việt Nam thôi là đủ để 8 tỷ con người dùng thoải mái rồi. Mà thật ra thì chúng ta cũng chẳng cần đặt chúng ở Sahara nữa. Số pin năng lượng mặt trời này có thể được trải ra khắp nơi trên thế giới, miễn là có nắng chiếu vào khiến chúng hoạt động hiệu quả là được.
Tham khảo RealLifeLore; Wikipedia Việt Nam; Wikipedia dự án Desertec biên dịch GVN360