Trong ký ức của nhiều người, ngáo ộp là tên gọi một nhân vật cực kỳ đáng sợ mà các vị phụ huynh Việt Nam vẫn thường đem ra dọa con khi chúng khóc nhè hay tỏ thái độ ương bướng. Thế nhưng ngáo ộp là con gì? Hình dáng của nó thế nào? Thì có lẽ đến chính các vị phụ huynh cũng sẽ khá lúng túng nếu được hỏi.
Hình dáng của ngáo ộp kì dị như thế nào?
Ngáo ộp theo tưởng tượng của mọi người là một sinh vật mắt mũi trợn ngược, mồm miệng méo xẹo, chuyên đi bắt cóc trẻ con hư về ăn thịt.
Theo miêu tả lẫn hình dung của nhiều người, ngáo ộp là một con yêu quái méo mồm, mắt trợn ngược và hay đi bắt cóc trẻ con hư. Vì thế, khi đem ngáo ộp ra dọa trẻ con, người lớn thường tạo mặt xấu bằng cách dùng ngón tay để kéo đuôi mắt cũng như khóe miệng lại gần nhau để càng dị hợm càng tốt, nhằm mô phỏng lại ngoại hình xấu xí của ngáo ộp.
Ngáo ộp là đến từ đâu?
Có giả thuyết cho rằng ngáo ộp là sinh vật có nguồn gốc từ các giai thoại dân gian xuất xứ từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì được truyền miệng nên không còn ai biết rõ về nguồn gốc của ngáo ộp cũng như việc nó xuất phát từ đâu.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng ngáo ộp có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây. Cụ thể hơn, trong tác phẩm “Thằng bé tí hon” của nhà văn Pháp Charles Perrault (1628 – 1703), có tình tiết các anh em tí hon nghèo khổ đến gõ cửa một gia đình yêu tinh để xin ăn. Những con yêu tinh này độc ác vô cùng và thích ăn thịt trẻ con, nhưng may mắn là các anh em tí hon đã chạy thoát được.
Nhiều người cho rằng ngáo ộp thực chất là một sinh vật được du nhập từ phương Tây có tên gọi Ogre.
Con yêu tinh trong truyện có tên Ogre. Khi được xuất bản ở Việt Nam, cái tên này được dịch là Ộp. Không ít người cho rằng dây chính là nguồn gốc của từ “ộp” trong “ngáo ộp” cũng như cách gọi những con yêu quái có hình dạng xấu xí, thích bắt trẻ con để ăn thịt. Từ “ộp” này có lẽ được kết hợp với từ “ngáo”, vốn để chỉ người to lớn, thô kệch và không có trí tuệ, tạo thành tên gọi “ngáo ộp” nhằm chỉ chung loài yêu tinh cao lớn, dị hợm.
Dù ngáo ộp có xuất xứ Tây hay ta thì sinh vật này vẫn cứ là nỗi khiếp sợ của những đứa trẻ hay khóc nhè, lười ăn và ương bướng. Còn đối với các vị phụ huynh, ngáo ộp vẫn là cứu cánh trong việc răn đe con cái.
Dù có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của “ngáo ộp”, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thể xác định được lời giái thích nào chuẩn xác hơn. Chỉ biết chắc chắn rằng sẽ còn nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam được nghe kể cũng như sợ chết khiếp “con ngáo ộp” dù chẳng rõ đấy thực ra là con gì, nó từ đâu đến và hình dạng quái đản ra sao. Dẫu thế nào đi nữa, “ngáo ộp” và “ông Ba Bị” có lẽ sẽ vẫn là một phần tuổi thơ của trẻ con, gắn liền với những kỷ niệm đẹp, khi được ông bà, bố mẹ dỗ dành, dọa nạt.