Vào ngày 23/4 vừa qua, một tòa án ở Trung Quốc đã kết thúc phiên xử gây nhiều tranh cãi về một vụ kiện pháp lý khiến nhiều người vô cùng tò mò. Vào năm 2019, một doanh nhân ở tỉnh Vân Nam, họ Zhang, đã bán một tảng đá jadeite (phỉ thúy) thô nặng 18kg cho Ma, chủ tịch một công ty thép nổi tiếng, với giá 80 triệu nhân dân tệ (khoảng 12,5 triệu USD).
Mặc dù Ma biết những rủi ro liên quan đến việc mua phỉ thúy nguyên thạch nhưng khi mở nó ra, ông ta vẫn tức giận khi biết rằng giá trị cuộc giao dịch của mình thấp hơn nhiều so với mong đợi, chỉ khoảng 4 triệu nhân dân tệ. Ma sau đó nói với Zhang rằng mình muốn thử lại, nhờ người môi giới này đến Myanmar để mua một viên đá khác. Nhưng khi Zhang mang viên đá thứ hai đến công ty của Ma, Ma đã chiếm đoạt nó, từ chối trả tiền cho đến khi nhận được tiền hoàn lại cho viên đá đầu tiên. Sau khi không đạt được thỏa thuận, Ma đã gọi cảnh sát, và Zhang cùng các cộng sự sau đó bị buộc tội lừa đảo.
Sự việc gây hứng thú trong cộng đồng bởi trọng tâm của vụ án này là một tập tục cũ ở Trung Quốc, hiện đang được hồi sinh một cách rầm rộ. Nó được gọi là “đổ thạch”, hay “đánh bạc bằng đá”. Từ lâu, đây đã trở thành một phương thức phổ biến để giao dịch ngọc thô qua biên giới Trung Quốc-Myanmar.
Do lớp bên ngoài của một số viên đá jadeite bị phong hóa đến mức không thể đánh giá chất lượng của khoáng chất bên trong. Chỉ sau khi chúng được cắt ra, các nhà thẩm định mới có thể xác định được giá trị thực của chúng. Một số con bạc thích cảm giác mạnh, đã lợi dụng điều này bằng cách mua đá chưa cắt với hy vọng làm giàu. Những viên đá chứa phỉ thúy chất lượng cao nhất, hoàn hảo và gần như trong suốt, có thể giúp chủ sở hữu kiếm được số tiền khổng lồ trên thị trường mở. Có người từng bỏ ra 50.000 nhân dân tệ để mua một viên đá, sau đó mở nó ra và tìm thấy một mảnh ngọc trị giá 20 triệu nhân dân tệ. Nếu sự đặt cược của Ma thành công, ông có thể đã bán được viên đá với giá gấp nhiều lần số tiền mà anh ta đã trả. Nhưng thất bại, nên ông ta đã khẳng định Zhang lừa mình, cố bán một viên đá jadeite chất lượng kém từ Guatemala thay vì đá từ Myanmar.
Quá trình cắt một viên đá thô để xác định chất lượng của ngọc bích bên trong
Về cơ bản, những mẫu jadeite tốt nhất được thu thập bởi chính chủ mỏ, hoặc được bán cho các nhà sưu tập trên khắp thế giới. Một số được mang ra đấu giá công khai ở Myanmar. Phần còn lại được chia thành hai đợt, một đợt được vận chuyển bằng đường biển đến Hồng Kông và Quảng Châu, nơi những viên đá sẽ được cắt để sản xuất đồ trang sức bằng ngọc bích chất lượng cao và các mặt hàng khác. Phần còn lại được vận chuyển qua đường bộ tới Ruili, khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar ở tỉnh Vân Nam. Vị trí này gần thành phố, nên chi phí hậu cần thấp và cũng thiếu các nghệ nhân làm ngọc bích, khiến nó nhanh chóng trở thành một địa điểm tốt để khai mở những viên đá thô không rõ giá trị.
Khu vực này có lịch sử lâu đời là trung tâm buôn bán ngọc bích và đánh bạc bằng “đổ thạch”. Theo các ghi chép lịch sử từ triều đại nhà Thanh (1644-1911), những người buôn bán jadeite dọc biên giới Trung Quốc – Myanmar sẽ suy đoán về chất lượng và màu sắc của viên đá, dựa trên các đặc điểm của bề mặt bên ngoài bị phong hóa của nó. Một loạt các phong tục dân gian liên quan tới việc chọn đá cũng đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Ví dụ, trước khi đặt cược vào một viên đá, người mua sẽ giết và hầm một con gà trống hơn 1 tuổi, ăn đầu và nhìn xương của nó để xem liệu họ có nên tiếp tục mua viên đá hay không. Những người khác thắp hương, ăn chay và kiêng quan hệ tình dục trong khi thực hiện nghi lễ quan sát hòn đá kéo dài bốn ngày, thứ mà họ đã chọn với hy vọng giá trị thực của viên đá sẽ chịu bộc lộ ra với họ.
Nhưng từ năm 1949, hoạt động thương mại xuyên biên giới ở nơi đây bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn, với các quy định liên quan tới hàng hóa xa xỉ. Mãi tới những năm 1980, Ruili mới lấy lại được vị thế là trung tâm của ngành buôn bán đá jadeite, tạo tiền đề cho sự bùng nổ về trào lưu “đổ thạch” trong thập niên 90.
Người mua kiểm tra đá thô bằng đèn pin ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, năm 2018
Vào thời điểm đó, Ruili thiếu một thị trường trang sức chuyên nghiệp. Hầu hết các loại đá jadeite để bán đều được cất giấu trong một vài khách sạn địa phương. Mỗi buổi sáng, những người môi giới – chủ yếu là người dân tộc đến từ Myanmar hoặc những công dân Myanmar gốc Trung Quốc – sẽ đợi người mua dưới một gốc cây cổ thụ khổng lồ, một địa danh nổi tiếng của địa phương. này Khi một người mua đến, họ sẽ đưa anh ta đến một khách sạn để xem hàng hóa. Các nhà môi giới đóng vai trò trung tâm trong mỗi giao dịch. Nhiều người trong số này đã từng làm công việc khai thác đá jadeite ở miền bắc Myanmar, nên họ rất quen thuộc với các nguồn gốc và kinh nghiệm chọn jadeite. Theo một nhà môi giới đã làm việc trong ngành từ những năm 1980, người mua sẽ luôn mang theo quà để tặng cho những người môi giới với hy vọng có được thông tin nội bộ.
Những năm 1990 là thời kỳ hỗn loạn đối với các nhà kinh doanh ngọc bích. Các thương gia từ Myanmar nhận thấy cơ hội kiếm tiền nhanh chóng từ khách du lịch đến Ruili, đã sớm bắt đầu sản xuất ngọc bích giả. Một số kỹ thuật của họ khá thô sơ, chẳng hạn như nhồi kem đánh răng màu xanh lá cây vào bên trong đá để làm cho chúng có màu xanh lục khi soi qua đèn pin.
Cuối cùng, các biện pháp kiểm soát biên giới được thắt chặt và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến bong bóng cờ bạc nổ tung, đẩy Ruili bước vào thời kỳ trì trệ. NHưng sau năm 2000, khi một “khu thương mại biên giới” cung cấp các giao dịch miễn thuế được mở ra, thị trường “đổ thạch” lại hồi sinh và đạt đến đỉnh cao mới trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2013. Truyền thuyết về những tay đánh bạc làm giàu chỉ qua một đêm được lưu truyền khắp Trung Quốc, thu hút giới đầu cơ đến Ruili và khiến giá đá thô tăng vọt.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, các khu chợ vẫn mở cửa đến khuya, khiến Ruili trông giống như một Las Vegas của Trung Quốc. Nhưng với những người không có chuyên môn hoặc kiến thức về buôn bán ngọc bích, việc đặt cược mù quáng thường khiến họ đứng trên bờ vực phá sản. Kể từ đó, đã có một câu tục ngữ trong giới cờ bạc ở Ruili là: “Một người sẽ thắng lớn, một người sẽ thua, một người sẽ gặp nạn.”
Nhận thức về rủi ro liên quan đến cờ bạc đã tăng lên kể từ năm 2014, và trong một thời gian dài sau đos, dường như hoạt động này đã rơi vào tình trạng suy giảm. Nhưng sóng ngầm lại trỗi dậy, khi làn sóng livestream thời gian gần đây đã đẩy “đổ thạch” trở thành một cơn sốt, những là ở một tầm cao mới.
Bắt đầu từ năm 2018, các lái buôn đã sử dụng các streamer để thu hút các con bạc cược đá từ khắp nơi trên cả nước. Rõ ràng, bởi mọi người đều thích xem cược đá được phát sóng trực tiếp. Dần dần, nhiều người từ ban đầu chỉ đơn giản là thích xem các cuộc thẩm định về đá jadeite, nhưng sau một thời gian đã quyết định thử vận may của mình.
“Khi tôi xem họ cắt những viên đá ra, tôi có cảm giác như đang xem một buổi trình diễn thẩm định đồ trang sức. Thật thú vị”, chủ sở hữu của một công ty điện tử ở Hàng Châu và cũng là một nhà sưu tập đá phỉ thúy nghiệp dư cho biết. “Sau một thời gian, tôi cảm thấy như thể tôi đã có một chút kiến thức chuyên môn về ngọc bích, vì vậy tôi bắt đầu mua một số viên đá rẻ tiền cho vui. Giờ càng mua càng ghiền”.
Các video phát sóng trực tiếp đã loại bỏ được những giới hạn về tính bí mật và hạn chế về địa điểm, khiến cho hoạt động “đổ thạch” này dễ tiếp cận hơn với bên ngoài và mang đến cho khán giả cảm giác muốn tham gia nhiều hơn. Về cơ bản, các streamer sẽ bắt đầu bằng phần giới thiệu ngắn gọn về các loại đá của ngày hôm đó. Nếu người xem yêu cầu được xem kỹ hơn, người phát trực tiếp sẽ đưa ra các mô tả sâu hơn, trong khi khán giả tò mò đoán giá trị của nó. Sau khi hoàn tất một giao dịch mua, người mua có thể nhận tảng đá trực tiếp qua chuyển phát hoặc yêu cầu người phát sóng trực tiếp cắt nó ngay trên màn hình. Đây là công việc hấp dẫn và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Năm ngoái, một người chuyên phát sóng trực tiếp về “đổ thạch” hé lộ đã bán được 1 triệu nhân dân tệ tiền hàng, chỉ trong một buổi tối.
Để tăng mức độ tương tác của khán giả, những người phát trực tiếp luôn nỗ lực hết sức để làm cho công việc kinh doanh và những viên đá của họ xuất hiện đầy chân thực. Một số người sẽ yêu cầu một người dân địa phương Myanmar lội sông mò đá, nâng niu viên jadeite trên tay hoặc nói rằng viên đá là vật gia truyền mà họ đang bán để cứu một thành viên trong gia đình đang bị bệnh nặng. Cũng có những người đề nghị giúp chế tác các sản phẩm từ đá jadeite thô sau khi chúng được mua và cắt ra, nhưng thực tế là chỉ gửi một sản phẩm đã được làm sẵn từ trước cho khách hàng và giữ viên đá thô cho riêng mình.
Một phụ nữ xem livestream về “đổ thạch” tại một chợ buôn bán đồ trang sức ở Ruili, tỉnh Vân Nam, năm 2020
Phát sóng trực tiếp đã hồi sinh ngành công nghiệp “đổ thạch” của Ruili, bất chấp sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa cung và cầu. Bởi rõ ràng, đá tốt ngày càng hiếm, trong khi hàng ngũ những người thích chơi cờ bạc trực tuyến tiếp tục tăng lên. Một số người trong ngành công nghiệp này thậm chí đã bắt đầu phải đi tìm gặp các chuyên gia về jadeite ở những nơi khác để mua lại jadeite thô, sau đó mang về Ruili và bán lại cho những người thích “đổ thạch”.
Nói về làn sóng này, có người cho rằng livestream là một công cụ tốt, nhưng cũng có quan điểm nói rằng đây đơn thuần là một sự phục hồi trong thời gian ngắn. Nhưng có một điều mà mọi người đều đồng ý, đó là văn hóa “đổ thạch” vẫn tồn tại cho tới tận ngày nay.
Tham khảo sixthtone