Chỉ trong 4 ngày vừa qua drama “tố nhóm dịch lậu webtoon” đã gây bão trong cộng đồng fan truyện tranh nói chung và cộng đồng fan webtoon, manhwa nói riêng. Sau khi hàng loạt nhóm dịch lậu bị các tác giả tại Hàn chỉ mặt điểm tên trên Twitter, một bộ phận không nhỏ người ủng hộ nhóm dịch đã lập tức phản hồi, yêu cầu tác giả nghe giải thích. Thậm chí, khó hiểu hơn, rất nhiều tài khoản Twitter tự nhận là người Việt Nam còn bày tỏ hi vọng tác giả hãy bỏ qua vụ việc cũng như cho phép việc dịch không bản quyền được tiếp tục.
Động thái “bênh người nhà” này đang khiến cho cộng đồng yêu truyện tranh dậy sóng và được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến vụ việc ngày càng tiến triển theo hướng nghiêm trọng hơn.
Chính “fan dịch lậu” đang ép tác giả mạnh tay hơn?
Đây là nhận định của nhiều độc giả theo dõi vụ việc ngay từ đầu. Kể từ khi xuất hiện tài khoản Twitter lên tiếng tố cáo các nhóm dịch chui tại Việt Nam, nhiều “fan dịch lậu” đã có động thái comment thanh minh với tác giả. Tuy nhiên, làn sóng này nhanh chóng đi quá giới hạn, khi một số tài khoản Twitter lên tiếng chửi bới tác giả và bao biện cho hành vi dịch trái phép. Một trong số nhiều tác giả phải hứng chịu comment ác ý từ chính người đọc của mình là YD – tác giả bộ webtoon Blind Day.
YD cho biết cô nhận được không ít comment gạch đá từ “fan dịch lậu”. Nữ tác giả đăng tweet yêu cầu các độc giả đọc lậu và fan nhóm dịch unfollow mình rất nhiều lần, nhưng dường như vô ích khi vẫn có tài khoản Twitter yêu cầu cô phải lắng nghe lời giải thích từ nhóm dịch hoặc nên bỏ qua chuyện này. Bất đắc dĩ YD đã đăng thông báo bằng tiếng Việt về việc đang tiến hành khởi kiện hai trong số nhiều nhóm dịch mà cô phát hiện được tại Việt Nam.
Tạm dịch:
Haha1234: Tôi là người Việt Nam. Cũng có đọc trên các trang đăng truyện lậu. Nhưng tôi cũng trả tiền đều đặn từng chương cho Lezhin (app đăng webtoon bản quyền) để ủng hộ cho tác giả. Đọc bằng tiếng mẹ đẻ thì cảm xúc hơn, nhưng tôi vẫn trả tiền mà. Có phải chị chưa đọc hết toàn bộ bình luận của tôi không?
Chlorophylliac: Thật bất lịch sự. Chị ấy đã nhắc đi nhắc lại là nếu đọc truyện lậu thì đừng có nói gì với chị ấy và bạn còn ở đây quấy rầy thêm sao? Đọc bằng tiếng mẹ đẻ thì cảm xúc hơn cơ đấy. Chị ấy đã khóc vì bị người ta ăn trộm, lũ người như bạn đấy.
Lũ các người quá sức điên khùng và còn cãi cố để bao biện cho việc đồng lõa với đám trộm cắp, xát muối vào vết thương lòng của tác giả. Thật sự xấu hổ vì các người khi nghĩ rằng các người chẳng làm gì sai và còn tự hào khi là một tên trộm cắp.
Khi tác giả mạnh tay
Theo nguồn tin từ một số fan trò chuyện trực tiếp với YD, nữ tác giả đã chi 10.000 đô la (khoảng 230,5 triệu đồng) để thuê công ty luật quốc tế vào cuộc. Trong hai tháng qua, nhóm của YD đã bắt tay vào việc truy tìm các nhóm hoặc cá nhân chuyển ngữ, phát tán truyện không có bản quyền. YD cũng khẳng định, nếu cô thắng kiện thì mọi chi phí thuê luật sư lẫn tổn thất về mặt bản quyền sẽ phải do các nhóm dịch chui đền bù.
Tạm dịch: “Nếu bạn cung cấp thông tin những nhóm dịch khác, bạn sẽ không bị khởi kiện. Tôi đã chi 10.000 đô la cho một công ty luật quốc tế. Tôi sẽ yêu cầu các người bồi thường khoản tiền này. Các người có thể bị bắt nếu vụ việc được điều tra. Chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. Tôi đã thuê công ty luật quốc tế đấy. Họ tìm được sáu người trong vòng hai tháng và chưa có dừng đâu.”
Trước làn sóng tranh cãi gay gắt với tác giả Hàn, nhiều độc giả dù không quan tâm đến webtoon hay manhwa cũng tỏ ra e ngại vụ việc này sẽ lan rộng sang cả Nhật và Trung Quốc. Về lâu dài hơn, “tiếng xấu” mà vụ việc để lại càng khiến cho việc đàm phán, mua bản quyền những bộ truyện nổi tiếng của các đơn vị xuất bản chính thống trở nên khó khăn hơn trước.
Nữ hoàng Ai Cập là bộ truyện từng được phát hành không bản quyền tại Việt Nam và đây được xem là lý do chủ yếu khiến bộ truyện không thể tái bản trong nhiều năm qua.
Hiện nay, nhiều nhóm dịch đã ẩn trang đăng tải truyện và fanpage của mình. Còn trên khắp các trang confession lẫn tin tức truyện tranh, vụ việc đang được cập nhật thông tin đều đặn. Tranh cãi giữa việc đọc truyện dịch lậu là đúng hay sai nổ ra ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, phần đông độc giả đều đồng ý rằng trong sự việc lần này thì lỗi sai trước hết ở các nhóm dịch lậu và yêu cầu “fan dịch lậu” không nên đổ xô vào trang mạng xã hội của tác giả để tiếp túc thanh minh nữa, mà nên gửi lời xin lỗi một cách chân thành. Có lẽ đã đến lúc độc giả Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến vấn đề truyện bản quyền.
Bạn đọc có thể tham gia bàn luận, trao đổi thêm về các bộ truyện webtoon và manga khác tại ĐÂY.