Trong 2 năm qua, số phận của tựa game kinh dị đến từ Đài Loan – Devotion thực sự gặp nhiều biến cố. Được phát hành lần đầu tiên vào tháng 2 năm 2019, Devotion có mặt trên Steam chỉ sáu ngày trước khi nó bị cộng đồng game thủ phản ứng dữ dội. Nguyên do là vì một số yếu tố quá nhạy cảm liên quan đến các chính trị gia.
Nhà phát hành Red Candle Games đã phải đăng đàn xin lỗi và gỡ trò chơi khỏi nền tảng Steam. Ít lâu sau, chính công ty game này cũng bị chính quyền địa phương rút giấy phép kinh doanh. Số phận của Devotion khi đó coi như khép lại.
Bẵng đi một khoảng thời gian, cuối cùng Red Candle Games cũng đã trở lại hoạt động và kéo theo sự hồi sinh của Devotion. Theo nhiều ý kiến đánh giá, màn hồi sinh của Devotion đang được cộng đồng cực kỳ quan tâm. Được xem là một trong những tựa game kinh dị hay nhất năm 2019, sự trở lại của Devotion mang đến cơ hội được chơi game cho rất nhiều người đã bỏ lỡ.
Lấy bối cảnh của những năm 1980, Devotion tập trung vào một gia đình ba người gồm: Du Feng Yu (Đỗ Phong Vũ) – một nhà biên kịch đang xuống dốc, Li Fang (Lệ Phương) – một ca sĩ và ngôi sao điện ảnh đã giải nghệ và đứa con gái nhỏ ốm yếu là Mei Shin (Mỹ Tâm) – cô bé với niềm khao khát được trở thành một ngôi sao như mẹ. Câu chuyện chủ yếu diễn ra tại một căn hộ khiên tốn với người dẫn chuyện sẽ đưa bạn đi qua những sự kiện và những xáo trộn trong không gian thân mật này.
Trong game, Vũ là một nhà biên kịch giỏi nhưng lại đang có sự nghiệp xuống dốc, và là chồng của Phương, một người từ bỏ sự nghiệp sáng chói để chăm sóc cho đứa con là Tâm. Vì là đứa con gái duy nhất của nhà, nên Mỹ Tâm được cha đầy sĩ diện đặt rất nhiều kỳ vọng để trở thành một siêu sao, và vô tình những kì vọng đó, gây cho con bé một áp lực cực kì lớn, khiến Tâm gặp hội chứng tâm lý làm cô bé bị khó thở.
Tuy nhiên, vì người cha lại cực kì cuồng tín, nên ông không tin vào kết luận của bác sĩ mà cứ tin vào một bà thầy bùa. Có thể ban đầu tình trạng sức khỏe của Tâm khá lên, song thất bại trong một cuộc thi tài năng khiến cô bé suy sụp tinh thần hơn nữa. Thêm vào đó, những bất đồng trong gia đình đến từ người bố ham danh lợi, thích sĩ diện và quá cuồng tín, khiến người vợ không thể chịu đựng được đành bỏ nhà ra đi. Trong lúc đó, vì người cha còn tiếp tục làm những việc điên rồ khác, như ngâm rượu tất cả đồ dùng của mẹ đẻ cho con uống để thành ca sĩ. Thậm chí còn nghe lời thầy bùa ngâm con bé trong bể rượu rắn nhằm giúp con khỏe lại. Thế nhưng, trước cái áp lực và nỗi đau về cả tinh thần và thể xác, Tâm chọn cách ra đi trong đau đơn để có một cuộc sống thanh thản.
Có thể nói, căn nhà mang đến cho người chơi một sự chú ý và ấn tượng bởi nhà sản xuất đã tái tạo rất chân thực từng ngóc ngách của một ngôi nhà trong câu chuyện thật. Có những tờ báo cũ được tận dùng làm khăn trải bài, bút chì và những kịch bản vứt bừa bộn, bức tường với những tranh vẽ của Mỹ Tâm và một tờ lịch treo trên một chiếc TIVI CRT ghi lại những ngày tháng của gia đình. Mỗi chi tiết dù có ý nghĩa hay quan trọng như thế nào, sẽ tác động mạnh mẽ làm bối rối cái cảm giác quen thuộc vốn có của người chơi. Mỗi khi bạn ngoảnh đi, cả căn nhà sẽ thay đổi và đi đến một trang thái nào đó khiến người chơi rùng mình khi phải quay lại để đối diện với những méo mó khác thường đấy.
Không giống như nhiều trò chơi kinh dị đương đại, Devotion cũng bỏ qua những phân đoạn hành động lén lút thử – sai hoặc các xung đột đơn lẻ với những con quái vật để gia tăng cảm giác phấn khích. Game chỉ có một cảnh rượt đuổi cuối cùng, song với phần nhạc nền đầy xúc cảm, mọi tâm ý đều rất ngắn gọn và dễ dàng mà không phải ngẫm quá lâu. Với một nhịp độ nhanh chậm thích hợp, game thúc đẩy chúng ta nhanh chóng đi đến phân cảnh cuối cùng và ba tiếng có lẽ là vừa đủ để tận hưởng trọn vẹn những cảm xúc và trải nghiệm của nó.