So với hai người anh em là Zeus và Poseidon, Hades luôn được khắc họa trong văn hóa đại chúng như một vị thần đầy chung thủy. Xuyên suốt các câu chuyện của thần thoại Hy Lạp, Hades chỉ có một người vợ là Persephone.
Hades – Vị thần của cái chết
Theo các phiên bản thần thoại Hy Lạp phổ biến thì Hades là con trai cả của Titan Kronos và Rhea. Vị thần này đã cùng các anh chị em của mình tham gia đại chiến Titan và trở thành một trong số những vị thần buổi đầu của vương triều Olympus. Hades được giao cai quản minh giới, chăm sóc công việc dẫn dắt các linh hồn người chết về đúng chỗ thích hợp với điều thiện hoặc ác mà họ đã làm khi còn sống.
Hades gần như không có quá nhiều câu chuyện liên quan như Zeus hay Poseidon, vị thần chỉ xuất hiện trong một vài câu chuyện liên quan đến chuyến du hành của các anh hùng đến minh giới. Ngoài ra, Hades dường như rất ít khi trừng phạt người phàm trần, trừ trường hợp họ tìm đến thế giới của vị thần này cai quản để gây chuyện.
Chính vì sự vắng bóng của Hades trong phần lớn những câu chuyện từ thần thoại Hy Lạp mà trong văn hóa đại chúng hiện đại, các tác giả có xu hướng khắc họa vị thần này như một vị thần có đạo đức, hiền lành và đặc biệt chung thủy với người vợ Persephone.
Hades và những ý giải thần thoại
Trong tiếng Hy Lạp, Hades được gọi là Aïdes có nghĩa là “the Unseen” hay “Người không thể nhìn thấy được”. Cái tên này tương ứng với chức năng của một vị thần cai quản minh giới và cái chết.
Từ chức năng của Hades, có thể hiểu rằng vị thần đại diện cho cái chết này trái ngược với Zeus (thần cai quản bầu trời, đại diện cho sinh năng giúp vạn vật sinh sôi nảy nở). Vì thế, người Hy Lạp sử dụng điển tích về việc Hades bắt cóc Persephone và cuộc hôn nhân của cả hai vị thần như một cách lý giải cho sự u ám, thiếu sức sống ở trần gian trong những tháng mùa đông.
Do Hades đại diện cho cái chết, thế nên việc ghép đôi vị thần với các nữ thần khác như thường thấy ở thần Zeus gần như không đem lại bất kỳ ý nghĩa hoặc lý giải điều gì về tự nhiên. Có lẽ do đó mà hoàn toàn không có nhiều câu chuyện với nội dung Hades qua lại với các nữ thần khác ngoài người vợ Persephone của mình.
Như vậy, sự chung thủy thường được phim ảnh, tiểu thuyết… hiện đại ca ngợi ở Hades thực chất không phải là tính cách của vị thần mà là do chức năng được người Hy Lạp gán cho vị thần này đưa đến.
Hades là tốt hay xấu?
Dù cái chết không phải điều tốt lành hay vui vẻ, nhưng trong nhiều nền văn hóa trên thế giới và với riêng Hy Lạp cổ, người dân không xem vị thần cai quản cái chết là ác thần. Ngược lại, họ vẫn thờ phụng, ca ngợi Hades ngang hàng với những vị thần khác trên đỉnh Olympus như Zeus, Poseidon, Hera…
Trong giai đoạn giao thoa văn hóa với người La Mã, Hades đã được đổi tên thành Pluto. Vị thần được gán thêm một chức năng nữa là người cai quản mặt đất, của cải và thịnh vượng. Tuy nhiên, chức năng chính của vị thần vẫn luôn gắn liền với minh giới, bóng tối, các linh hồn và không mấy khi được khắc họa rõ nét về mặt tính cách.