Màn hình xanh chết chóc (Blue Screen of Death) là một trong những nỗi ám ảnh mà hầu như bất cứ dân PC nào cũng đã từng gặp 1 lần. Tuy nhiên, sẽ có khá là nhiều bạn bất ngờ khi biết được sự thật rằng “cái chết” có thể tìm đến chiếc máy của bạn theo nhiều màu sắc khác nhau.
Những màn hình chết chóc này có tác dụng như một lời thông báo là máy đang bị lỗi, hoặc có thể đây chỉ là… bình yên trước cơn bão mà thôi. Sau đây là những loại màn hình lỗi xuất hiện trên nhiều nền tảng khác nhau.
Blue Screen of Death (BSOD)
Màn hình xanh chết chóc có lẽ là lỗi phổ biến nhất trên nền tảng PC vì tần suất xuất hiện của nó khá là nhiều. Bạn sẽ được diện kiến màn hình BSOD khi hệ điều hành Windows gặp lỗi STOP hoặc là một lỗi hệ thống nghiêm trọng nào đó, khiến máy bị crash. Nguyên nhân có thể là do driver bị hư, phần cứng bị lỗi, nguồn điện có vấn đề… hoặc khi linh kiện phải làm việc quá sức.
Black Screen of Death (BkSOD)
Lỗi này không hẳn là quá hiếm có khó tìm, và nó đã xuất hiện từ thời Windows 3.x rồi. Nó xuất hiện khi hệ thống xảy ra một lỗi nghiêm trọng. Ed Brown – một nhân viên IT của Coca-Cola – được cho là người đã đặt tên Black Screen of Death cho lỗi này vào năm 1991.
Những hệ điều hành Windows sau này như Windows 7, 8, 10 cũng có lỗi màn hình đen chết chóc khi nó không thể truy cập ổ cứng định dạng MBR trong lúc boot. Lỗi này xuất hiện khi một số tập tin .dll quan trọng biến mất, hoặc hệ điều hành không thể giải nén ổ cứng đủ nhanh sau khi đã được bạn nén lại trước đó.
Red Screen Of Death (RSOD)
Bạn sẽ nhìn thấy màn hình này khi Windows phát hiện vấn đề về card màn hình. Được biết, màn hình đỏ chết chóc này xuất hiện trên Windows 98 và Windows Vista. Tuy nhiên, máy vẫn có khả năng boot lên bình thường vì lỗi này chỉ dính líu đến phần đồ họa mà thôi.
Màn hình đỏ chết chóc còn xuất hiện trên máy Sony Playstation khi xảy ra lỗi. Ngoài ra, tablet Amazon Kindle Fire cũng có màn hình đỏ chết chóc khi máy bị biến thành… “cục gạch” (bricked).
Green Screen of Death (GSOD)
GSOD sẽ “trình diện” khi chiếc Xbox One cập nhật thất bại, khiến máy bị đơ. Đôi lúc, nó sẽ hiện ra màn hình xanh lá cây và sau đó chuyển sang màu… đen thui luôn. Nguyên nhân đằng sau GSOD là do ổ cứng bị lỗi khi lưu dữ liệu cập nhật. Để khắc phục thì người dùng phải reset cứng (hard reset) chiếc console này. Bên cạnh đó, khi Nintendo Entertainment System không thể khởi động thì nó cũng hiện ra GSOD.
Một điều thú vị là màn hình xanh lá chết chóc còn xuất hiện trên các máy sử dụng Windows 10 Insider Preview các bạn ạ. Microsoft đổi màu nền màn hình xanh chết chóc của Windows Insider Preview từ tháng 4/2017, giúp chúng ta phân biệt đang sử dụng bản Windows nào. Nguyên nhân gây ra màn hình xanh lá cũng khá giống với màn hình xanh dương. Trong đó, xung đột phần mềm, phần cứng bị lỗi, hoặc dính virus là các nguyên nhân phổ biến.
Purple Screen of Death (PSOD)
Màn hình này sẽ hiện ra mã lỗi trên nền tảng VMWare ESX/ESXi Server mỗi khi có vấn đề nghiêm trọng với phần kernel. Ngoài ra, một nạn nhân khác của màn hình tím chết chóc này là chiếc máy Nintendo DS. Một màu tím rịm sẽ xuất hiện khi bạn tháo băng game trong lúc đang xài ứng dụng Pictochat.
Gray Screen of Death (GSOD)
Màn hình của chiếc máy Microsoft Surface chạy Windows 8.1 RT sẽ chuyển sang màu xám xịt, khiến máy hoạt động không ổn định. Lỗi này được gọi là màn hình xám chết chóc và được phát hiện sau bản cập nhật May 2015 Windows RT. Cách sửa lỗi triệt để là khôi phục lại máy về trạng thái xuất xưởng (factory settings) và vô hiệu hóa các bản cập nhật đó. Tuy nhiên, có một người dùng đã chỉ ra một mẹo rằng bấm nút Windows + tăng âm lượng (Volume up) thì máy sẽ mở tính năng Narrator và màn hình xám kia sẽ tự động biến mất một cách thần kỳ.
White Screen of Death (WSOD)
Màn hình trắng chết chóc với logo trái táo Apple màu đen bắt đầu xuất hiện trên chiếc iPhone 5 màu trắng và những hậu bản của nó, cùng với đó là iPod Touch màu trắng thế hệ 5 sau khi cập nhật iOS 7 cũng “dính chưởng” luôn. Nó sẽ khởi động lại thiết bị và bạn chẳng thể làm được gì sau đó. Một điểm thú vị là đối với iPhone màu đen thì lỗi này sẽ có màu nền đen và logo trái táo Apple màu trắng.
Một trường hợp khác nữa là khi tính năng Game Center bị lỗi (bug) khiến màn hình bị trắng xóa. May mắn là lỗi này đã được sửa trong bản cập nhật iOS 9.3.2.
Yellow Screen of Death (YSOD)
Nạn nhân lần này chính là trình duyệt Mozilla Firefox các bạn ạ. Màn hình vàng khè này sẽ xuất hiện khi XML parser (công cụ dùng để chuyển mã XML sang ngôn ngữ máy tính) thất bại trong việc xử lý tài liệu XML, gây ra lỗi parsing trong Firefox. Ngoài ra, khi một ứng dụng web được phát triển bằng ASP.NET gặp lỗi hoặc crash thì màn hình vàng chết chóc cũng sẽ hiện ra.
Brown Screen of Death
Tương tự như màn hình đỏ chết chóc, màn hình nâu cũng liên quan đến mảng phần cứng và phần mềm đồ họa. Dường như mỗi khi bạn mở máy lên chiến game mà PC đang sử dụng driver cũ, lỗi hoặc card màn hình bị hỏng thì một màu nâu nâu sẽ xuất hiện. Việc ép xung CPU và GPU để tăng hiệu năng chơi game cũng có thể khiến màn hình nâu này xuất hiện. Trong một số trường hợp thì có người còn phản ánh rằng cài driver mới vẫn bị.
Tóm tắt ý chính:
Ngoài màn hình xanh chết chóc (blue screen of death) còn có các màu: đen, đỏ, lục, tím, xám, trắng, vàng, nâu Mỗi màu sẽ tương ứng với mỗi lỗi trên những nền tảng khác nhau
Nguồn FossBytes biên dịch gearvn