Gần đây, cộng đồng truyện tranh Việt Nam đã tố cáo sự gian lận của 2 họa sĩ giấu danh tính ở cuộc thi POPS Comics Bonus. Theo các nguồn tin, số tiền các họa sĩ này chiếm được từ cuộc thi lên đến hơn 200 triệu VNĐ cho mỗi người.
Cuộc thi do POPS Comics tổ chức từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2021, có giá trị lên đến hơn 1 tỷ VNĐ. Cuộc thi là sân chơi công bằng, lành mạnh và là cơ hội tốt để các họa sĩ truyện tranh nghiệp dư thể hiện mình bằng các tác phẩm chất lượng. Tuy nhiên đến ngày 09/07, POPS Comics Bonus đột ngột hủy bỏ cuộc thi. Theo chia sẻ của BTC, POPS Comic đã nhận được nhiều phản ánh, nghi vấn, thư nặc danh gửi về chương trình và buộc phải dừng cuộc thi.
Nguyên nhân chủ yếu do sự gian lận của hai cá nhân họa sĩ truyện tranh. Các họa sĩ này được cho là tác giả của những bộ truyện như “Chồng tôi không còn là nhân vật phản diện”, “Em đến từ 17 năm trước”, “Hoàng tử trong gương”, “Love Disaster”, “Cô dâu bỏ trốn của công tước ma cà rồng”,… và một số tác giả vẫn đang được đặt trong diện nghi vấn khác.
Không chỉ POPS Comic, một số cuộc thi truyện tranh hay nền tảng truyện khác như Webtoon hay Comico, dưới phân tích số liệu kỹ càng của cộng đồng truyện tranh, cũng có dấu hiệu gian lận của các tác giả này.
Thành tích các truyện này trên nền tảng POPS thường lọt top 5 trở lên và chưa bao giờ rớt hạng, vượt mặt cả các tác phẩm nổi tiếng như “Bad Luck” của Châu Chặt Chém, hay “Tác giả, em muốn nghỉ việc” của Téddibe hay những truyện tranh manhwa/manhua, vốn thu hút độc giả nhiều hơn truyện tranh Việt.
Các bộ truyện của 2 tác giả gian lận có lượt đọc lên đến hàng chục nghìn hoặc hàng trăm nghìn. Theo lý giải thông thường, một bộ truyện mới có thể thu hút độc giả vì có chất lượng xuất sắc hoặc được quảng bá mạnh. Tuy nhiên cả hai đều không đúng trong trường hợp của những tác giả này, vì có nhiều bộ truyện chất lượng hơn hoặc nổi tiếng hơn vẫn không thể lọt vào top 10.
Tiêu biểu là bộ truyện “Chồng tôi không phải nhân vật phản diện”. Sau khi sử dụng các công cụ record real time, cộng đồng truyện tranh đã nhận ra lượng view tăng đều ở mọi khung thời gian, từ 100-300 view/giờ đồng hồ. Một số ngày như 30/4 và 1/5 tăng hơn 10.000 view, áp đảo tất cả các đầu truyện khác, dù là truyện được nền tảng POPS tài trợ. Có thời điểm vào ngày 29/4, chỉ trong 10 phút, bộ truyện tăng lên đến hơn 3000 lượt xem.
So sánh với các bộ truyện khác của tác giả nước ngoài và nổi tiếng hơn như “Nhất đại linh hậu”, “Trường an yêu ca”, đều có nội dung mỗi chapter vô cùng nhiều, nhưng không thể tăng quá 1500 lượt xem/ngày.
Không chỉ có nền tảng POPS, một số nền tảng khác như Webtoon cũng có dấu hiệu gian lận của các tác giả này. Các bộ truyện tuy có chất lượng không cao, nghiệp dư và sơ sài nhưng lại luôn lọt top 10, thậm chí là top 1 trong một số BXH của Webtoon.
Loại trừ các yếu tố như fandom đông hay chạy QC liên tục, cộng đồng truyện tranh đều dồn về một nghi vấn duy nhất là sử dụng tool, auto-bot để kiếm được lượt view “khủng”.
Theo một số nguồn tin, số tiền các tác giả này gian lận được từ cuộc thi có thể lên đến hơn 200 triệu VNĐ mỗi người. Số tiền này có thể cao hơn nữa xét đến việc truyện được đăng trên nhiều nền tảng, cuộc thi, và lọt top liên tục. Trước sự việc này, nhiều cư dân mạng tỏ ra vô cùng bất bình.
Dù là cuộc thi nào cũng nên tạo ra một sân chơi công bằng, lành mạnh cho thí sinh. Gian lận trắng trợn bằng cách mua like, mua view có thể tước đi cơ hội của nhiều tác giả trẻ tiềm năng. Bên cạnh đó, những sự việc gian lận tương tự có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của họa sĩ Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.