Open world game thường được đánh giá cao ở việc xây dựng thế giới lẫn gameplay. Tuy nhiên, không phải lúc nào các chi tiết trong game cũng chân thực và chính xác như người ta kỳ vọng. Ngược lại, trong rất nhiều tựa game, các tình tiết ngớ ngẩn khó chấp nhận vẫn tồn tại nhan nhản.
1. Đất nông nghiệp
Đúng hơn là diện tích đất nông nghiệp mà người chơi có thể nhìn thấy trong cả thế giới game rộng lớn. Có một thực tế là trong nhiều tựa game open world, bối cảnh thường diễn ra ở các thành phố. Thế nên khi vượt khỏi phạm vi thành phố, người chơi sẽ thường xuyên bắt gặp một ngôi làng nằm bơ vơ giữa vùng rừng núi hoang vu với một vài con đường dẫn ra bên ngoài. Ngoài ra, sẽ có thêm vài bãi đất trống, những khu rừng rậm rạp.
Tuy nhiên, tại sao lại chỉ có đất đai hoang vu? Trong thực tế, những ngôi làng sẽ gắn với cuộc sống nông nghiệp, vì thế lẽ ra cần có bãi chăn thả gia súc, cánh đồng, khu vườn nào đó mới đúng. Nhưng có rất ít trò chơi nhớ đến điều này.
2. Các pháo đài
Các pháo đài trong game được xây dựng ở những địa điểm vô cùng ngớ ngẩn. Đó là nhận xét của nhiều game thủ lâu năm. Đôi khi, chúng còn tọa lạc ở những vị trí dễ bị bao vây. Ngoài ra, các nhà sản xuất game thường có xu hướng phóng đại việc sử dụng pháo để đánh chiếm pháo đài, trong khi về mặt chiến thuật thì đào hào bao quanh các bức tường có vẻ được áp dụng phổ biến hơn.
Trò chơi hiếm hoi quan tâm đến vị trí xây pháo đài là Elder Scrolls Online. Tuy nhiên, game vẫn thiếu những cái bao và thang vốn được dùng cho việc đánh hạ một pháo đài.
3. Cách các NPC tương tác
Ví dụ trong trò chơi Ultima 9, theo chia sẻ từ một game thủ, thiết lập các nhân vật NPC khiến anh ta cảm thấy bối rối. Gameplay cho phép kiếm tiền bằng cách đi săn chuột, còn rương châu báu thì ở khắp mọi nơi, nhưng bằng một cách khó hiểu nào đó, thế giới trong game vẫn tồn tại những NPC nghèo khổ đến mức phải đi lang thang.
4. Tỷ lệ khá phi logic
Có vẻ như để khắc họa thế giới chân thực nhất có thể nên các nhà làm game thường thu nhỏ mọi thứ với tỷ lệ không thật sự chuẩn. Những chi tiết ngớ ngẩn như 5 ngôi nhà với 20 dân thành một làng, 50 nhà thành một thành phố lớn… xuất hiện nhan nhản. Trên quãng đường khoảng 200 m, cảnh vật có thể biến đổi từ địa hình núi tuyết sang sa mạc khô cằn chỉ trong chớp mắt.
Một trong những ví dụ điển hình cho việc này là game Far Cry 2, khi người chơi có thể đi dọc châu Phi chỉ trong 2 phút. Các địa hình sa mạc, thảo nguyên, rừng nhiệt đới, thảo nguyên, sa mạc xuất hiện loanh quanh với nhau.
5. Sự tương tác với thế giới
Hầu hết các game thủ tìm đến open world game đều mong muốn được trải nghiệm một thế giới mô phỏng gần giống thế giới thực. Điều này có nghĩa là các NPC, gameplay… không phải lúc nào cũng xoay quanh người chơi. Tuy nhiên, cho đến nay hiếm trò chơi nào làm được như vậy, người chơi vẫn phải gặp những NPC cung cấp dịch vụ, làm nhiệm vụ hướng dẫn chứ không hề có cuộc sống riêng. Thậm chí, nếu chẳng may người chơi lỡ hại ai đó thì họ cũng không phải cảm thấy hối hận vì đấy chỉ là nhân vật phụ.