Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn là một trong số những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới với hàng trăm phiên bản khác nhau. Phiên bản nối tiếng nhất có lẽ là Snowdrop trong tập Children;s and Household Tales của anh em Grimm. Đồng thời, phiên bản này cũng đã được nhà nghiên cứu văn học dân gian Andrew Lang chỉnh sửa lại và cuối cùng được Walt Disney lựa chọn để chuyển thể thành phim hoạt hình.
Những câu chuyện tạo lên “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”
Có không ít ý kiến cho rằng nó chịu ảnh hưởng hoặc được kết hợp từ nhiều câu chuyện khác nhau như The Young Slave của Giambattista Basile, một câu chuyện cũng khá tương đồng với Sleeping Beauty. Tuy nhiên, hai câu chuyện mang nhiều điểm trùng hợp và xuất hiện sớm hơn là Gold-Tree and Silver-Tree và Maria, the Wicked Stepmother, and the Seven Robbers.
Trong câu chuyện dân gian Scotland, Gold-Tree and Silver-Tree, câu chuyện kể về một ông vua có người vợ tên Silver-Tree và một cô con gái tên Gold-Tree. Một ngày nọ, Silver-Tree và Gold-Tree đi đến chỗ giếng nước, nơi đang có con cá hồi thần cư ngụ. Hoàng hậu hỏi con cá xem liệu bà có phải là người đẹp nhất thế gian hay không, con cá đáp không phải, con gái bà – nàng Gold-Tree sẽ trở thành hoàng hậu đẹp nhất thế gian. Silver-Tree trở về nhà, bị cơn giận dữ làm cho mờ mắt. Bà nằm xuống giường và thề rằng sẽ không bao giờ khỏe lại được nếu không ăn tim và gan của nàng Gold-Tree. Nhà vua trở về cung điện sau khi nghe tin vợ nằm liệt giường, và khi nghe vợ đòi ăn tim và gan con gái, ông đã gả Gold-Tree cho một hoàng tử vừa đến cầu hôn, để nàng rời xa khỏi hoàng hậu. Đồng thời, nhà vua cũng đem nội tạng của một con dê cho vợ.
Ở phần tiếp theo trong câu chuyện về Bạch Tuyết, các tình tiết lại có những nét khá tương đồng với truyện Maria, the Wicked Stepmother, and the Seven Robbers. Bị ép rời khỏi nhà vì bà mẹ kế độc ác, nàng Maria đi lang thang trong rừng cho đến khi thấy một ngôi nhà nơi bảy tên cướp sinh sống. Thay vì làm tổn thương cô gái tội nghiệp, những tên cướp lại cho phép cô ở lại để dọn dẹp, nấu nướng và trông coi nhà cửa như một cô em gái. Thế nhưng mẹ kế phát hiện được Maria vẫn còn sống, bà cho cô một chiếc nhẫn bị nguyền, chỉ cần đeo vào, cô sẽ chết ngay lập tức.
Ngoài ra, phần kết của Bạch Tuyết thì rất rõ ràng, có điểm chung với truyện The Crystal Coffin.
Những nguồn cảm hứng khác tạo lên Bạch Tuyết và bảy chú lùn
Con cá hồi thần trở thành gương, một vật dụng gắn liền với những quan niệm tâm linh lẫn tiên tri của con người trong nhiều thế kỷ. Bên cạnh đó, nó còn phản ánh sự trưởng thành, nở rộ về nhan sắc của một cô gái, cũng như lúc già và xấu đi của một người phụ nữ.
Tương tự như vậy, quả táo độc có thể liên quan đến những truyền thuyết cổ của Hy Lạp kể về nữ thần bất hòa Eris – vị thần đã gây ra biết bao phiền toái và đổ máu chỉ với một quả táo “dành cho người đẹp nhất” ném vào giữa tiệc cưới của Peleus và Thetis.
Cái tên “Snow White” có lẽ được lấy cảm hứng từ một truyện khác trong tập truyện của Grimms là Snow-White and Rose-Red. Trong câu chuyện này, Bạch Tuyết và Hồng Hoa là hai chị em gái. Họ đã nuôi một chú gấu trong nhà suốt một mùa đông dài như một người bạn. Sau đó họ lại tìm được một chú lùn và nhiều lần giải cứu chú ta, dù chú lùn không tỏ ra biết ơn. Cuối cùng hai chị em chứng kiến chú gấu mình nuôi sát hại chú lùn khi chú lùn ăn trộm kho báu của gấu. Hóa ra chú gấu là một hoàng tử điển trai bị gã lùn nguyền rủa. Sau khi được khôi phục hình dạng, hoàng tử cưới Bạch Tuyết và em trai hoàng tử cưới Hồng Hoa.
Những giả thuyết lịch sử
Bên cạnh những chất liệu thần thoại, truyện cổ tích, Bạch Tuyết và bảy chú lùn còn được cho là lấy cảm hứng từ hai nhân vật có thật trong lịch sử. Trong cuốn Schneewittchen: Märchen oder Wahrheit? (Snow White: Is It a Fairy Tale?) của tác giả Eckhard Sander xuất bản năm 1994, có đề cập đến một giả thuyết về nguyên mẫu đời thực của Bạch Tuyết.
Theo cuốn sách, nguyên mẫu đời thực của Bạch Tuyết là Margarete von Waldeck, một nữ bá tước người Đức. Năm 16 tuổi, Margarete bị mẹ kế Katharina xứ Hatzfeld ép chuyển đến Wildungen ở Brussels. Tại đó, Margarete phải lòng hoàng tử – người sau này sẽ trở thành Phillip II của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cha và mẹ kế của Margarete không đồng ý với mối quan hệ này và nàng qua đời ở tuổi 21 vì bị đầu độc.
Eckhard Sander còn đề cập đến nguồn cảm hứng cho nhân vật 7 chú lùn. Cha của Margarete có một vài mỏ khoáng sản sử dụng nô lệ trẻ em. Điều kiện làm việc trong những mỏ này vô cùng thiếu thốn, khiến cho người làm việc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Nếu không qua đời, họ sống lay lắt với bộ dạng còi cọc, chân tay biến dạng vì suy dinh dưỡng và lao động nặng nhọc. Vì thế họ thường được gọi là “những chú lùn tội nghiệp”.
Tuy nhiên, ý kiến của Eckhard Sander không hẳn thuyết phục được tất cả mọi người. Theo một nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu tại Lohr, Bavaria thì Bạch Tuyết có thể lấy cảm hứng từ Maria Sophia von Erthal, sinh năm 1729 tại Lohr am Main, Bavaria. Cô là con gái của một chủ đất sống ở thế kỷ 18, Philipp Christoph von Erthal và vợ là Baroness von Bettendorff.
Sau khi bà Baroness qua đời, Philipp kết hôn với Claudia Elisabeth Maria von Venningen, nữ bá tước xứ Reichenstein. Người vợ hai của ông không thích cô con gái riêng của chồng cho lắm. Họ sống trong một dinh thự mà ngày nay đã trở thành viên bảo tàng, trong số những món đồ nội thất có món đồ được gọi là “Gương nói” – một món đồ chơi có thể phát ra âm thanh được chế tạo vào năm 1720. Còn các chú lùn trong truyện Maria, Wicked Stepmother, and Seven Robbers lại liên quan đến thị trấn khai thác mỏ, Bieber ở phía tây Lohr, nằm giữa bảy ngọn núi.