Phần lõi tên lửa nặng 21 tấn của Trung Quốc đang mất kiểm soát, có thể rơi xuống Trái Đất bất cứ lúc nào

Một phần thân tên lửa khổng lồ đang bay xung quanh hành tinh của chúng ta một cách vượt ngoài tầm kiểm soát và nó có thể rơi trở lại Trái Đất trong vài ngày tới.

Vật thể nặng khoảng 21 tấn này chính là giai đoạn cốt lõi của tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc. Hôm 29/4, Trung Quốc đã phóng mô-đun đầu tiên của một trạm vũ trụ mới mà nước này đang xây dựng. Thay vì rơi vào một vị trí được chỉ định trước trong đại dương, điều thường thấy đối với các phần tên lửa bị loại bỏ, giai đoạn cốt lõi của Trường Chinh 5B lại quay quanh hành tinh và không bị kiểm soát.

Andrew Jones, người phụ trách chương trình vũ trụ của Trung Quốc, chia sẻ với SpaceNews rằng phần thân tên lửa có khả năng sẽ rơi trở lại Trái Đất trong vài ngày tới.

“Tôi nghĩ rằng theo các tiêu chuẩn hiện tại thì không thể chấp nhận được việc để nó quay trở lại một cách không kiểm soát”, Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học theo dõi các vật thể quay quanh Trái Đất, cũng cho biết. “Kể từ năm 1990, không có thứ gì nặng hơn 10 tấn đã được cố tình để lại trong quỹ đạo để quay trở lại một cách không kiểm soát.”

Phần lõi tên lửa nặng 21 tấn của Trung Quốc đang mất kiểm soát, có thể rơi xuống Trái Đất bất cứ lúc nào - Ảnh 1.

Trung Quốc sẽ cần 10 lần phóng để hoàn thành trạm vũ trụ của riêng mình.

Phần tên lửa này có chiều dài khoảng 30 mét và rộng gần 5 mét, theo ông Jones. Khi rơi ra khỏi quỹ đạo, nó có thể bốc cháy trong bầu khí quyển của Trái Đất, nhưng những mảnh vỡ lớn có thể vẫn tồn tại. Phần lớn hành tinh của chúng ta là đại dương, vì vậy đó là nơi các mảnh tên lửa rơi có nhiều khả năng hạ cánh nhất. Nhưng chúng vẫn có thể đe dọa các khu vực có người sinh sống.

“Luôn luôn khó khăn để đánh giá khối lượng và số mảnh vỡ còn sót lại nếu không biết thiết kế của vật thể, nhưng một ‘nguyên tắc chung’ khá hợp lý là vào khoảng 20-40% khối lượng khô ban đầu”, Holger Krag, người đứng đầu Văn phòng Chương trình An toàn Không gian của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu nói.

Theo ông Jones, đường đi của tên lửa xung quanh Trái Đất đưa nó “xa hơn một chút về phía Bắc so với New York, Madrid và Bắc Kinh và xa hơn về phía Nam như Chile và Wellington, New Zealand”. Nói chung nó có thể rơi trở lại Trái Đất ở bất kỳ đâu trong phạm vi này.

Phần lõi tên lửa nặng 21 tấn của Trung Quốc đang mất kiểm soát, có thể rơi xuống Trái Đất bất cứ lúc nào - Ảnh 2.

Tên lửa Long March-5B Y2, mang theo mô-đun cốt lõi của trạm vũ trụ Tianhe của Trung Quốc, cất cánh từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 29/4/ 2021.

Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 5B một lần trước đó, vào tháng 5/2020, để thử nghiệm nó bằng cách đưa một nguyên mẫu tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Tầng lõi của tên lửa đó cũng rơi trở lại Trái Đất một cách không kiểm soát, khoảng 6 ngày sau khi phóng. Nó quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất trên Đại Tây Dương, theo Phi đội Kiểm soát Không gian số 18 của Lực lượng Không gian Mỹ. Nhưng các báo cáo địa phương chỉ ra rằng các mảnh của tên lửa đã rơi xuống Bờ Biển Ngà.

Jim Bridenstine, người giữ vị trí Quản trị viên NASA vào thời điểm đó, đã gọi điều đó là “thực sự nguy hiểm”. Đường đi của tên lửa đã đưa nó bay qua Los Angeles và thành phố New York ngay trước khi nó không chịu được lực hấp dẫn của Trái đất.

Còn theo Andrew Jones, Trường Chinh 5B được thiết kế đặc biệt để phóng các mô-đun trạm vũ trụ. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ mới với 11 lần phóng vào cuối năm 2022. Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Trung Quốc có kế hoạch xử lý các thân tên lửa như thế nào trong 10 lần phóng tới.

“Phần lõi của Trường Chinh 5B lớn gấp bảy lần so với giai đoạn hai của tên lửa Falcon 9”, McDowell chia sẻ.

Trong quá khứ, một bình áp suất từ ​​tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã hạ cánh xuống một trang trại ở Washington và để lại một vết lõm sâu 10 cm trên mặt đất. Không ai bị thương trong vụ việc đó, theo chính quyền địa phương.

Một nguyên mẫu ban đầu của trạm vũ trụ mà Trung Quốc đang xây dựng cũng đã rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát vào năm 2018. Nó rơi xuống vùng biển Nam Thái Bình Dương, nơi không có người ở.

Tham khảo BI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo