Từ nhiều tháng qua, quyết định đàn áp mọi hoạt động khai thác tiền ảo của Trung Quốc đã nhấn chìm hơn phân nửa thợ đào xuống vực thẳm khi đây là thị trường dẫn đầu thế giới về trữ lượng khai thác Bitcoin.
Song giờ đây, khi các cuộc di cư khỏi Trung Quốc của nhóm đào tiền ảo diễn ra, họ bắt đầu điều chỉnh thuật toán Bitcoin sao cho đảm bảo năng suất khai thác của các cỗ máy vốn không còn điều kiện hoạt động tốt như ở Trung Quốc.
Có hiệu lực từ ngày 3/7, sửa đổi này sẽ giúp những người khai thác thu về nhiều lợi nhuận hơn. “Đây sẽ là một bữa tiệc lớn cho các thợ đào”, kỹ sư khai thác Bitcoin Brandon Arvanaghi cho biết.
Khai thác dễ dàng hơn
Trước đây, để có được đồng Bitcoin, các thợ đào sẽ sử dụng công cụ là các máy đào chuyên dụng để giải quyết những vấn đề tính toán cho phép liên kết các khối giao dịch (blockchain) lại với nhau. Phần thưởng được trả cho công việc này là Bitcoin hay còn gọi cách khác là “phần thưởng khối”.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành tâm điểm và là vùng đất hứa cho thị trường tiền ảo, với các ước tính chiếm đến 65 – 75% hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu. Tuy nhiên, một cuộc đàn áp do chính quyền đề ra đã cấm cửa hoàn toàn mọi vấn đề liên quan đến tiền ảo, khiến các thợ đào Bitcoin bị trục xuất và tìm đến quốc gia khác.
“Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Bitcoin, chúng tôi phải ngừng khai thác hoàn toàn tại một khu vực đắc địa ảnh hưởng đến hơn 50% mạng lưới”, Darin Feinstein, người sáng lập công ty khai thác tiền mã hóa Blockcap và Core Scientific, cho biết.
Hơn 50% hashrate – chỉ số sức mạnh tính toán của các thợ đào trên thế giới – đã ngừng hoạt động kể từ đợt giá Bitcoin lao dốc kỷ lục vào tháng 5. Các chuyên gia cho rằng càng có nhiều thợ đào Bitcoin phải tạm ngừng hoạt động vì lệnh cấm của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc thị phần của các thợ đào còn lại sẽ tăng lên trong mạng lưới, giúp việc khai thác sinh lợi hơn.
Thông thường, các thợ đào sẽ mất khoảng 10 phút để hoàn thành một chuỗi khối, nhưng mạng lưới Bitcoin ở thời điểm hiện tại đã chậm đi với thời gian giải thuật tăng lên từ 14 – 19 phút.
Để khắc phục vấn đề, mã Bitcoin đã được tinh chỉnh để giảm độ khó của việc khai thác xuống 28% – mức giảm chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay – giúp khôi phục thời gian hoàn tất khối về mốc 10 phút.
Theo Mike Colyer, CEO công ty tiền tệ kỹ thuật số Foundry, thuật toán Bitcoin có thể được lập trình để xử lý tăng giảm năng suất hoạt động của các cỗ máy đào. “Thị trường Bitcoin có thể tự điều chỉnh mà không cần thông qua bất kỳ ủy ban nào để cho phép. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho tiền mã hóa”, ông nói.
“Tất cả các thợ đào bitcoin đều có chung một nền kinh tế và đang khai thác trên cùng một mạng lưới, vì vậy doanh thu của họ sẽ tăng trưởng nhờ điều chỉnh này, cũng như quy mô khai thác hơn”, Kevin Zhang, cựu Giám đốc khai thác tại Greenridge Generation, nhà máy điện lớn đầu tiên của Mỹ, cho biết.
Giả sử giá điện không đổi, Zhang ước tính mỗi ngày các thợ đào Bitcoin sẽ thu được 29 USD sau khi các thay đổi về mã khai thác có hiệu lực, nhỉnh so với doanh thu 22 USD mỗi ngày ở trước kia.
Về lâu dài, doanh thu khai thác sẽ chỉ giảm 17% so với mức ngưỡng cao nhất của Bitcoin vào tháng 4, trong khi giá trị của đồng tiền này giảm đi 50%. Hay nói cách khác, lượng Bitcoin đào được sẽ tăng lên rất nhiều so với trước.
“Chúng tôi đang kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai gần. Đây là một món quà bất ngờ đối với mạng lưới, không chỉ về doanh thu mà còn về phân cấp và các chỉ số năng lượng bền vững”, Feinstein phân tích.
Mặc dù độ khó giảm mang lại lợi ích cho tất cả các thợ đào, nhưng những người sử dụng công cụ đời mới sẽ được hưởng lợi hơn cả. Đa phần các thiết bị bị loại bỏ ở Trung Quốc là những model đời cũ, không có hiệu quả và hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp, vì thế đây sẽ là món hời lớn cho những ai sở hữu dàn máy đào thế hệ mới.
Sáu tháng biến động
Thật khó để dự đoán hashrate sẽ diễn biến ra sao trong tương lai. Nhà sáng lập Upstream Data Steve Barbour không loại trừ khả năng chính quyền Bắc Kinh có thể đảo ngược chính sách của họ và đây chỉ là biến động ngắn hạn.
Nếu đây là quyết định cứng rắn của giới chức Trung Quốc, các thợ đào sẽ phải mất từ 6 – 15 tháng để chuyển tất cả phần cứng khai thác sang quốc gia khác. “Sẽ mất nhiều thời gian để các cỗ máy đào tìm được ngôi nhà mới”, Barbour cho biết.
Ngay cả trước khi Trung Quốc mạnh tay cắt đứt các hoạt động khai thác, nhà sản xuất Bitmain hằng tháng vẫn đều ra mắt “trâu cày” thế hệ mới, khiến cho cơ sở hạ tầng để chứa đựng chúng trở nên quá tải.
Hiện tại, thị trường đang tràn ngập nguồn cung quá mức các dàn máy khai thác đã qua sử dụng nên các quốc gia khác có thể tiêu thụ những thiết bị này rất nhanh. Trong số tất cả các điểm đến có thể có của thiết bị này, Mỹ dường như có vị trí đắc địa để hấp thụ phần trăm hashrate di cư khỏi Trung Quốc.
Nhiều cơ sở Bitcoin ở Mỹ đã tận dụng cơ hội này để ký thỏa thuận với các thợ đào Bitcoin Trung Quốc đang tìm nơi nương tựa. Hoạt động đào Bitcoin tại xứ cờ hoa ngày càng bùng nổ cùng với những nguồn vốn đầu tư mạo hiểm liên tục được rót vào, vì vậy họ sẵn sàng tận dụng tình trạng thợ đào di cư để kiếm lời.
“Nhiều công ty đào Bitcoin ở Mỹ đã được cấp vốn khi giá Bitcoin bắt đầu tăng vào tháng 11, 12 năm ngoái, tới khi lệnh cấm Trung Quốc có hiệu lực, họ đã xây dựng hoàn tất mọi thứ. Đây là thời điểm tuyệt vời để khai thác”, Arvanaghi nhận định.
Những cơ sở khai thác nhỏ hơn cũng bắt đầu nắm bắt cơ hội từ tình hình hiện tại. Barbour cho biết: “Tôi nghĩ đây là một tín hiệu cho thấy hoạt động đào Bitcoin sẽ phân phối rộng hơn trong tương lai.
Các mỏ đào siêu lớn có công suất trên 100 MW thường thấy ở Texas sẽ ngày càng ít, thay vào đó sẽ có nhiều mỏ đào trong những khu thương mại nhỏ và thậm chí ở khu dân cư. Một chính trị gia sẽ khó lòng đóng cửa một mỏ đào trong kho nhà dân”.