Game open world ngày càng nhận được sự quan tâm của game thủ trên khắp thế giới. Nhờ vậy, nhiều tựa game hấp dẫn cũng lần lượt ra mắt. Game open world phong phú về gameplay, chủ đề, nội dung đến đồ họa và cách thiết lập thế giới. Chính vì thế, đi kèm với dòng game này có nhiều khái niệm nghe khá lạ cũng xuất hiện, khiến cho game thủ mới tìm hiểu cảm thấy lúng túng.
Một trong số những khái niệm gây nhiều tranh cãi nhất liên quan đến game open world là cách phân biệt game open world (thế giới mở) và game semi open world (thế giới bán mở). Mỗi người chơi đề ra một cách phân biệt khác nhau giữa hai loại game này, đôi khi sự bất đồng dẫn đến tranh cãi. Tuy nhiên, lý do ra đời lẫn cách phân biệt chúng thật ra lại khá đơn giản.
Trước tiên, một ý kiến khá phổ biến về sự khác nhau giữa game thế giới mở và thế giới bán mở là phụ thuộc cách thức di chuyển. Không ít người chơi cho rằng với các game có thể di chuyển đến bất cứ đâu mà không cần đến bất kỳ màn hình loading nào như Skyrim hay Far Cry 4 là game thế giới mở. Vì vậy, trái ngược với chúng, những tựa game cần đến màn hình loading và chỉ di chuyển được giữa các khu vực thông qua bản đồ sẽ được xem là game thế giới bán mở.
Tuy nhiên, ý kiến này có vẻ như không thỏa đáng khi khá nhiều tựa game đã được công nhận là open world như Dragon Age Inquistion lại có cách di chuyển thông qua bản đồ. Điều này dẫn đến việc cách phân biệt dựa trên hình thức di chuyển trong thế giới game không hẳn sẽ quyết định game thuộc open world hay semi open world. Việc di chuyển dựa vào bản đồ chỉ là một hình thức phân chia các khu vực với thiết lập đồ họa, hiệu ứng, nhiệm vụ, NPC… khác nhau mà thôi. Đa số các game có cách di chuyển như vậy thường có sự chăm chút tỉ mỉ hơn ở từng khu vực, thay vì phải dàn trải ra toàn bộ thế giới.
Bản đồ Witcher 3 được xem là một semi open world game điển hình
Vậy làm thế nào để phân biệt open world và semi open world? Khá nhiều game thủ đều nhất trí rằng việc phân biệt nên dựa vào cách thức hiển thị các khu vực trên bản độ. Open world sẽ phù hợp với các game mà toàn bộ thế giới đều trong chế độ hiển thị, cho phép người chơi đi đến bất cứ đầu mà không cần phải đáp ứng yêu cầu nào. Ngược lại, semi open world dùng để chỉ những game mà phần bản đồ thế giới chỉ hiển thị một phần nhỏ, trong khi những phần còn lại ở trong trạng thái bị “khóa”. Người chơi chỉ có thể khám phá các khu vực này khi họ thực hiện xong nhiệm vụ hoặc đạt được yêu cầu nào đó mà gameplay đặt ra.
Một ví dụ dễ hiểu hơn cho ý kiến này, nếu người chơi đi qua cây cầu trong game mà không phải thực hiện bất kỳ nhiệm vụ hay đáp ứng đòi hỏi nào thì đó là game open world. Còn trong trường hợp khác, nếu người chơi phải trả lời câu đố, đánh quái… mới được qua cầu thì đó là game semi open world.
Xét cho cùng thì ngay từ tên gọi của hai thể loại, người ta cũng có thể hình dung được phần nào thế giới của chúng: hoàn toàn mở và chỉ mở một phần.