Game là một nơi cho phép người chơi thoải mái thả mình vào thế giới ảo, chiến đấu chống lại những thế lực thù địch với thứ sức mạnh siêu nhiên. Ngược lại, cũng có những trò chơi quá… “dị”, khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, bất lực và chỉ muốn tắt máy tính đi ra ngoài cho thư thả đầu óc.
Nguyên nhân có thể là do cơ chế của game kỳ lạ, hoặc màn chơi quá khó mà nhà phát triển tạo ra nhằm thử thách người chơi, nhưng vô tình lại khiến game thủ cảm thấy ức chế. Sau đây, mới anh em đến tiếp với phần 2 của top 10 màn chơi khiến game thủ cảm thấy ức chế tột độ.
Nhiệm vụ lái máy bay bắn người – GTA: San Andreas
Bất cứ khi nào GTA cho bạn chơi máy bay RC (điều khiển từ xa) thì bạn nên… xóa game luôn đi cho đầu óc nó thanh tịnh. Có vẻ như cái chuyện chà đạp tinh thần người chơi bằng cái nhiệm vụ lái trực thăng RC cực khó trong phần Vice City chưa làm Rockstar hài lòng.
Thế là họ tiếp tục làm ra một nhiệm vụ lái máy bay RC cực kỳ “dở người” nữa trong phần San Andreas – phần GTA cuối cùng trong kỷ nguyên PS2.
Nhiệm vụ này tên là Supply Lines. Bạn sẽ được lái một chiếc máy bay RC 2 tầng cánh, trang bị súng để đi ám sát một số mục tiêu chỉ định. Nghe thì có vẻ vui, ít nhất là cho đến khi bạn nhận ra rằng chiếc máy bay này cực kỳ khó điều khiển. Chỉ riêng cái việc giữ nó bay trên không thôi là đã đủ mắc mệt rồi chứ đừng nói đến việc đi bắn hạ thứ gì đó. Đã vậy nó còn có tính nhiên liệu nữa chứ. Mà hết nhiên liệu là khỏi bay và đi làm nhiệm vụ lại từ đầu nhé…
Đến cả David Cross, người lồng tiếng cho Zero, một nhân vật trong nhiệm vụ này cũng chẳng thể nào ưa nổi cái máy bay này. Ông ấy thậm chí còn không thể điều khiển được nó.
Hộ tống Natalya ngáo ngơ – GoldenEye
Bất kỳ game thủ nào đã từng tung hoành trong những tựa game khoảng cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000 cũng đều sẽ phải lắc đầu ngán ngẩm khi nhớ lại những nhiệm vụ hộ tống. Tuy nhiên chúng vẫn chưa “đủ đô” để so sánh với nhiệm vụ hộ tống bà thím ngáo ngơ Natalya trong GoldenEye đâu.
Tựa game bắn súng James Bond cổ điển GoldenEye là một cuộc cách mạng trong làng game FPS và đồ họa 3D. Tuy nhiên việc nó là huyền thoại là một chuyện, cái nhiệm vụ Escorting Natalya tào lao thì lại là chuyện khác.
Mô tả nhiệm vụ thì khá đơn giản, đó là hộ tống Natalya để cô ta làm việc với mấy cái máy tính, đồng thời bảo vệ cô ta khỏi mấy tên địch, vậy thôi. Mấy nhiệm vụ kiểu này thường đều có kịch bản na ná nhau, nhưng hiếm khi có tựa game nào cho người bắt người chơi phải đi với một người bạn đồng hành “chết não” như thế. Nếu cô ta không tự giết mình bằng cách đi vào làn đạn của kẻ thù thì bạn sẽ chết khi đặt mình vào nguy hiểm để cứu cô ta.
Cũng phải có một số lý do để người ta nhớ đến GoldenEye chủ yếu là ở phần chơi mạng. Và một trong những lý do lớn nhất chính là cái nhiệm vụ củ chuối này làm lu mờ cả phần chơi đơn.
Bản đồ Water Temple hành xác người chơi – The Legend Of Zelda: Ocarina Of Time
Nếu bạn đã từng chơi qua Ocarina of Time thì chắc chắn bạn sẽ nhớ đến cái map Water Temple. Một số nhà phê bình thì thích sự phức tạp của nó, nhưng nhiều người chơi thì chửi ầm cả lên.
Đây là dungeon thứ 6 mà bạn gặp phải trong tựa game. Muốn di chuyển trong map ngập nước này, bạn phải nâng hạ mực nước bằng những cần gạt được giấu trong nhiều căn phòng khác nhau. Kết hợp với việc sử dụng Iron Boots để chìm xuống đáy những căn phòng ngập nước.
Trong khi game không hề cho bạn biết là cái cần gạt nào kết nối với cái gì thì việc tháo ra gắn vào Iron Boots hoàn toàn thủ công thông qua menu của game cũng gây ra lắm phiền phức.
Tất cả làm nên một cái map cực kỳ cồng kềnh và gây khó chịu nhiều hơn là sự thích thú cho người chơi. Đó là lý do Nintendo chỉnh sửa mạnh tay khu vực này trong bản 3DS của Ocarina.
Bám đuôi thành viên của quân kháng chiến – Metal Gear Solid 4
Đối với một series game cuốn như Metal Gear Solid thì cũng không lạ gì khi dòng game này cũng có những phân cảnh game khiến người chơi cực kỳ khó chịu. Một trong số đó có thể kể đến như cảnh giết chết chuỗi PAL card trong phần game đầu, cảnh hộ tống E.E trong phần 2 và cảnh bạn phải cho EVA ăn liên tục cứ mỗi 5 phút để cô ấy không bị chết đói trong phần 3.
Đương nhiên, để tiếp nối “truyền thống” này, Metal Gear Solid 4 vẫn sẽ có những phân cảnh gây “đau đớn” cho game thủ.
Cụ thể thì trong phần game này, bạn sẽ phải theo dõi một thành viên VIP của quân kháng chiến đi xung quanh thành phố. Bạn sẽ vừa phải theo dõi anh ta mà không để lộ bất kỳ hành động lộ liễu nào, trong khi vừa phải để ý và triệt hạ những vị khách không mời khác cũng đang bám đuôi.
Nếu bạn đã từng chơi qua các nhiệm vụ bám đuôi trong Assassin’s Creed thì nhiệm vụ này cũng giống như vậy chỉ có điều là phức tạp hơn. Bởi vì không giống như series Assassin’s Creed, bạn sẽ không bị thua dù đối tượng có phát hiện ra bạn.
Nếu như bạn bị phát hiện, bạn sẽ không bị game đưa trở về vị trí checkpoint mà game sẽ bắt bạn đi thêm một quãng đường dài nữa để tới được vị trí đích đến. Cũng chính vì điều này đã khiến cho một nhiệm vụ vốn đã chán ngắt thì nay còn chán hơn.
Ngoài ra, nếu bạn như có lỡ không kiềm chế được cảm xúc mà phá phách, đưa nguyên khu vực đó vào tình trạng báo động thì bạn sẽ bị trừng phạt khá là nặng. Đương nhiên điều đó sẽ càng khiến bạn ức chế hơn khi phải chơi lại màn này.
The High Road – Crash Bandicoot N. Sane Trilogy
The High Road luôn là một cơn ác mộng đối với game thủ dù cho bạn có chơi phiên bản nào Crash Bandicoot đi chăng nữa. Tuy nhiên, chỉ có The High Road trong phiên bản N. Sane Trilogy là được đưa vào danh sách này vì cơ chế điều khiển của phần này đã bị nhà phát triển làm khác đi.
Bộ ba game gốc có cơ chế điều khiển được thiết kế riêng, điều này có nghĩa là các động tác nhảy và đáp xuống đất sẽ khác nhau đôi chút giữa các phần. Để tinh giản hóa trải nghiệm cũng như làm cho các phần game gắn kết với nhau hơn, nhà phát triển đã dùng chung một cơ chế nhảy duy nhất. Tuy nhiên thì cơ chế này lại không phù hợp với màn The High Road các bạn ạ.
Chính vì thế nên những bước nhảy của Crash có phần hơi… “lệch” một chút so với bình thường. Song nhiêu đó cũng quá đủ để khiến bạn rơi xuống vực sâu hết lần này đến lần khác. Tất cả chỉ vì cái “một chút” kia. Nghĩ cũng khá… “cay”.
Nguồn What Culture biên dịch Gearvn