Trước khi vào chơi một game nào đó thì thường bạn phải chọn mức độ khó. Tùy theo sở thích hoặc kỹ năng mà game thủ sẽ chọn 1 chế độ phù hợp với bản thân. Trong đó, mức dễ nhất sẽ phù hợp cho những ai chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc muốn chơi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa là chính.
Tuy nhiên, một số nhà phát triển lại không nghĩ như thế. Họ tìm mọi cách để trêu ngươi, chọc quê game thủ vì đã chọn “việc nhẹ nhàng”. Trong một số tình huống, nếu chọn chế độ dễ thì trò chơi sẽ khóa một số nội dung, buộc bạn phải chơi lại ở mức khó hơn để có thể trải nghiệm được trọn vẹn. Sau đây là phần tiếp theo trong top 15 tựa game khiến bạn cảm thấy… “gà” quá cũng là một cái tội.
Crash Bandicoot 2: Wrath Of Cortex
Nếu bạn chết hơn năm lần trong Crash Bandicoot 2: Wrath of Cortex, con game này sẽ cho bạn Mặt nạ Aku Aku (tương đương với nấm đỏ trong Super Mario Bros) cho đến khi bạn tự lết cái thân già đến được checkpoint gần nhất. Nghe thì có vẻ cũng không có gì là chế nhạo lắm, nhưng mà nếu bạn lại chết tiếp thì con game này sẽ biến cái hộp gần nhất thành checkpoint luôn, như thể nó đã hết kiên nhẫn với bạn vậy.
Mặc dù đây không phải là một chế độ hay một thiết lập mà bạn tự chọn cho mình, nhưng game sẽ làm bạn cảm thấy mình “gà” vì liên tục được trợ giúp để hoàn thành màn chơi. Và nếu bạn vẫn chết thì đó là lỗi của không ai khác ngoài bạn.
Street Of Rage 3
Đôi khi cùng một tựa game nhưng phiên bản phát hành tại Nhật lại rất khác so với phiên bản phát hành tại Mỹ. Có những lúc nhà phát triển cố tình làm cho bản Mỹ dễ hơn bằng cách đổi tên chế độ, ví dụ như “Trung Bình” thành “Khó”, “Khó” thành “Siêu Khó”, để người chơi đỡ phải tủi thân khi chơi mấy con game như Ninja Gaiden và Devil May Cry.
Tuy nhiên, cũng có lúc nhà phát triển kỳ vọng người chơi phương Tây có thể hoàn thành thử thách của game một cách đàng hoàng, tử tế hơn. Ví dụ như trong Streets of Rage 3, nếu chọn chế độ dễ, bạn sẽ không thể chơi được 2 màn cuối cùng. Bạn chỉ có thể biết được kết cục của tựa game bằng cách… ngồi xem video mà thôi. Tệ hơn nữa, sau màn thứ 5 của tựa game, Robot X sẽ liên tục cà khịa người chơi mỗi khi phạm sai lầm rằng “You play this game like a beginner!” (tạm dịch: Bạn chơi như người mới tập tành thế!).
The Dishwasher: Vampire Smile
Giống như nhiều tựa game khác trong danh sách này, The Dishwasher: Vampire Smile sẽ cho phép bạn thay đổi thiết lập độ khó sau một số lần chết nhất định.
Tuy nhiên, nếu bạn chọn chế độ dễ nhất “Pretty Princess Difficulty” (tạm dịch: độ khó của công chúa xinh đẹp) thì con game này sẽ chọc quê bạn đấy. Lúc này sát thương từ kẻ địch trong game sẽ gần như bị vô hiệu hóa, chúng không thể gây mất máu trực tiếp cho bạn nữa. Và thay vì máu, thứ chảy ra trong suốt tựa game sẽ là mấy trái tim hoạt hình to bự. Cả chuyến hành trình trong game sẽ dễ như đi dạo công viên vậy.
Đối với một con game tự hào về độ máu me bạo lực như The Dishwasher: Vampire Smile thì đây là sự sỉ nhục cực kỳ rõ ràng. Khi bạn chọn ít thử thách hơn thì thử thách sẽ chối bỏ bạn luôn, khiến bạn cảm thấy mình như kiểu một kẻ hèn nhát bị bỏ rơi vậy.
Spider-Man (PS1)
Được phát hành trên hệ máy PS1 vào 2001, Spider-Man là một tựa game nhận được nhiều đánh giá tích cực, cả về lối chơi lẫn cốt truyện của nó.
Như các bạn cũng đã biết, có một số mức độ khó làm cho toàn bộ tựa game trở nên vô nghĩa. “Kid Mode” của Spider-Man là một chế độ như vậy đấy. Nó làm cho game hầu như là tự chơi, thậm chí một số phần của game còn bị cắt hẳn luôn. Nó sẽ bỏ qua một số câu đố và con trùm nhất định, thậm chí game đôi khi còn chiếm luôn quyền điều khiển của người chơi để hoàn thành một số màn giùm họ.
Kinh điển nhất phải kể đến một nhiệm vụ trong phần đầu của trò chơi, lúc này Spider-Man được giao nhiệm vụ gỡ bom một cách an toàn sau khi xảy ra một vụ cướp ngân hàng. Nếu bạn chơi “Kid Mode”, anh ta sẽ nói “I should find a safe place to put this” (tôi nên tìm một chỗ an toàn để đặt thứ này), cứ như là bạn không thể tự tìm thấy nó vậy.
Nếu bạn là một đứa trẻ mới bắt đầu tập tành chơi game và không có khả năng chơi đúng cách thì Kid Mode có lẽ là một chế độ tuyệt vời. Nếu không thì chẳng có lý do gì khiến chế độ này nên tồn tại.
Dòng game Devil May Cry
Trong suốt series Devil May Cry, người chơi sẽ được quyền giảm độ khó sau mỗi lần chết. Ví dụ như trong Devil May Cry 3, các bạn có thể chuyển sang chế độ dễ: Chẳng hạn như giảm một số lượng kẻ địch nhất định, hoặc là tần suất mà chúng xuất hiện.
Trong phần Devil May Cry đầu tiên, chế độ dễ còn làm được nhiều thứ hơn nữa. Một khi bạn đã bật chế độ “Automatic” lên thì nó không chỉ giảm độ khó của game xuống mà còn giảm luôn cả mức độ phức tạp của các combo khó thực hiện nhất.
Điều này có nghĩa là bạn có thể thực hiện những combo phức tạp chỉ bằng vài phím bấm đơn giản. Đối với một dòng game mà combo đóng một vài trò quan trọng như Devil May Cry thì việc đơn giản hóa cách triển khai các combo này nói thật là không còn gì vui nữa. Ngoài ra thì game cũng sẽ khóa bạn lại trong chế độ này và bắt bạn phải phá đảo game thì mới cho bạn cơ hội để chỉnh lại độ khó, hoặc buộc phải… chơi lại từ đầu.
Nguồn: What Culture