Những ngày qua, cộng đồng truyện dịch đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng đầy gay cấn về vấn đề bản quyền. Không chỉ dừng lại ở tranh cãi mà nó còn được cụ thể hóa bằng hành động đi tố vi phạm bản quyền với tác giả gốc. Kết quả là hàng loạt trang dịch truyện đã phải tạm đóng cửa để tránh bị lùm xùm về bản quyền truyện dịch lậu.
Khủng hoảng hiện vẫn đang tiếp diễn và diễn biến mới nhất là một tác giả gốc sau khi có động thái đấu tranh bảo vệ tác phẩm của mình đã bị cộng đồng ủng hộ truyện dịch cho RIP tài khoản Twitter. Diễn biến tiếp theo có thể sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa, tuy nhiên vấn đề chúng ta cần xem xét ở đây chính là thái độ về bản quyền tác phẩm.
Hàng loạt tố cáo nhắm đến các trang truyện dịch lậu
Những tranh cãi giữa các bên trong cuộc khủng hoảng này gần như giống hệt những tranh cãi từng nổ ra trong làng game về vấn đề game crack lậu, mod game, dịch game… Chính vì vậy một game thủ khi nhìn vào những tranh cãi này sẽ có cảm giác rất quen thuộc.
Quyền sử dụng nằm trên quyền tác giả?
Điểm căn bản nhất của tranh cãi về truyện dịch cũng như về game lậu chính là bản quyền tác phẩm có nên cho “xài chùa” vì người xài khó khăn trong tiếp cận không? Luận điểm của nhóm ủng hộ truyện dịch lậu và game lậu luôn là đưa ra một khó khăn của bản thân rồi từ đó cho rằng mình có quyền hưởng tác phẩm vi phạm bản quyền.
Tất nhiên, với nhận thức về bản quyền tiến bộ như hiện nay, các game thủ đều hiểu luận điệu đó là ngụy biện. Nhưng chúng ta phải đấu tranh trong một thời gian dài để có được nhận thức tôn trọng bản quyền và khó khăn của bản thân không phải là cớ để cướp lấy công sức của tác giả. Cộng đồng truyện dịch cũng cần một thời gian đấu tranh như vậy để có thể hiểu về giá trị của việc trả công cho tác giả khi hưởng thụ tác phẩm.
Nhờ nhiều va chạm và tranh cãi, game bản quyền đã được game thủ Việt tôn trọng
Nội bộ làng game Việt nói riêng và làng game thế giới nói chung đã có một thời gian dài đấu tranh lẫn nhau để có được sự tiến bộ về ý thức. Nếu 10 năm trước, việc mua một game bản quyền bị cho là một trò chơi nổi, một kiểu trọc phú khoe của kệch cỡm thì ngày nay nó là một biểu hiện của game thủ văn minh.
Steam, PlayStation Store, Humble Bundle… dần dần trở nên quen thuộc với game thủ và chuyện mua game không còn quá xa lại nữa. Thậm chí game thủ còn mua và gift cho nhau làm quà sinh nhật, tặng các cô bạn gái game thủ. Để có được điều đó, những trận tranh cãi khốc liệt, những lần chia phe, tan rã tình anh em thậm chí block lẫn nhau đã diễn ra.
Cái nhìn văn minh về bản quyền và quyền tác giả
Rất nhiều fan của truyện dịch đã đưa ra tuyên bố rằng việc dịch và đọc truyện lậu hoàn toàn chấp nhận được vì truyện gốc không có bản tiếng Việt nên cộng đồng đã tự dịch tự xem để thỏa sự hâm mộ. Thậm chí nhóm ủng hộ này còn cho rằng việc làm này có lợi về danh tiếng và truyền thông cho tác giả và tác phẩm.
Tuy nhiên, theo luật và quy định về bản quyền thì tác giả có toàn quyền quyết định tác phẩm của mình, không phải người dùng lậu. Chính vì vậy, việc lấy và sử dụng tác phẩm một cách tự ý không thông qua tác giả là hoàn toàn sai. Không có lý do nào có thể bào chữa cho việc vi phạm bản quyền được cộng đồng thế giới bảo vệ qua luật bản quyền và công ước bản quyền giữa các quốc gia mà Việt Nam cũng có tham gia.
Các tranh luận cố ý phớt lờ quyền của tác giả với tác phẩm của mình
Mặt khác nếu suy nghĩ ngược lại, chính việc dịch truyện lậu đã trực tiếp tổn hại đến tương lai hợp pháp của truyện, cũng giống như game bản quyền. Các tác phẩm được hâm mộ và có cộng đồng đủ lớn sẽ được dịch và phát hành chính thức. Đó là quy luật của thị trường.
Nếu bộ truyện A được nhiều người nhắc đến, tương tác cao trên mạng chắc chắn một nhà xuất bản nào đó sẽ mua bản quyền và dịch lại bán kiếm lời. Điều đó không hề xa vời vì có rất nhiều bộ truyện cả truyện chữ lẫn truyện tranh đều được nhà xuất bản Việt Nam dịch lại sau một thời gian nổi tiếng trên mạng.
Một nhóm dịch thông báo dừng vì bộ truyện bản quyền sắp được xuất bản
Nhưng nếu truyện đó bị dịch lậu và phát tán rộng rãi trên mạng, độ hot của nó vẫn có nhưng truyện khi mua bản quyền dịch lại sẽ không bán được. Nó sẽ làm NXB bị lỗ và tác giả cũng không kiếm được tiền chia sẻ lợi nhuận từ việc bán truyện hợp pháp. Nhiều nhóm dịch đã có động thái tích cực là dừng dịch nếu có tin bản dịch chính thức sắp ra mắt. Tuy nhiên có bao nhiêu người đã xem truyện dịch chịu chi tiền mua thêm bộ in chính thức vẫn còn là một ẩn số.
Mặt khác, các trang dịch truyện đều có treo quảng cáo để tạo thu nhập giúp duy trì đội ngũ làm việc. Chính điều đó lại phạm vào quy định bản quyền khi sử dụng tác phẩm trái phép để tạo thu nhập cho bản thân. Về mặt pháp luật, điều này hoàn toàn không thể bào chữa và đó cũng là lý do nhiều tranh truyện dịch phải đóng cửa để tránh bị kiện.
Muốn dùng miễn phí thì phải xin xỏ
Tất nhiên những điều luật trên không có nghĩa là bạn không thể dịch truyện về cho cộng đồng xem. Tác giả vẫn là người có quyền quyết định vì vậy cách tốt nhất là liên hệ xin phép tác giả được dịch lại bộ truyện.
Tùy theo tác giả sẽ có người rộng lượng hoặc nghiêm khắc mà quyết định. Nhưng dù sao đó cũng là một cách hành xử văn minh, tác giả sẽ biết được mình có fan ở Việt Nam. Nếu vui vẻ họ sẽ cho phép thoải mái hoặc họ sẽ tìm cách để phát hành truyện của mình ra tiếng Việt một cách đường đường chính chính.
Đôi khi tác giả không hẹp hòi nhưng thái độ phản ứng làm họ không vui, đó là điều nên tránh
Có nhiều bạn khi giận hờn ai đó lấy đồ của mình không xin phép hay thốt ra câu: “Nếu muốn thì mở miệng xin, tôi cũng không hẹp hòi quá đâu!”
Tác giả của các bộ truyện cũng vậy. Đôi khi họ không quá hẹp hòi để chia sẻ tác phẩm với một cộng đồng nhỏ. Nhưng cái thái độ lấy trộm tác phẩm mà họ phải lao tâm lao lực bao nhiêu ngày tháng để xài chùa thì nó thuộc về làm cho bõ ghét hơn là chuyện bản quyền.
Nhìn chung, cộng đồng truyện dịch cũng sẽ bước trên con đường của làng game trước đây để đạt tới một nhận thức tốt hơn về bản quyền. Những vụ lùm xùm như vụ truyện dịch vừa qua là một sự cố cần phải có để tạo động lực thúc đẩy ý thức về tôn trọng bản quyền.
Để có được thái độ tôn trọng game bản quyền, làng game Việt đã trải qua nhiều biến cố
Làng game từng chứng kiến game mobile của studio Việt bị nước ngoài sao chép lậu, đến lúc đó đã có nhiều game thủ nhận ra mình “há miệng mắc quai”. Chửi bọn sao chép lậu chẳng khác nào chửi chính mình vì mình cũng chơi game sao chép lậu cả chục năm. Đôi khi phải đến những bài học như vậy mới giúp nhận thức về bản quyền thay đổi.